MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung Quốc dừng nhập khẩu, nhiều chủ hàng đành "xé lẻ" công hàng bán lẻ nông sản trong nước với giá thấp, bèo bọt. Ảnh: XT

Trung Quốc dừng nhập khẩu, chủ hàng cắn răng “xé công” bán rẻ nông sản

An Trịnh LDO | 18/03/2022 10:52
Lào Cai - Phía Trung Quốc dừng nhập khẩu, một số chủ hàng phải "xé công" (container) bán lẻ hàng chục tấn nông sản với giá bèo bọt.

Nông sản "chôn chân" hàng tháng

Gần một tháng qua, Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) không thể xuất nhập khẩu hàng hoá do huyện Hà Khẩu (Trung Quốc), phong toả để xét nghiệm COVID-19. Tuy vậy, một số lái xe vẫn cố bám trụ tại cửa khẩu với hy vọng giao được hàng cho đối tác Trung Quốc.

Anh Quốc Phương (tài xế Công ty Vận tải NNC Hà Tĩnh), cho biết: “Tôi chở thanh long từ Phan Thiết ra, ngày 11.2 ra tới nơi rồi nằm chờ đến nay chưa giao được hàng vì bên Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu. Xe nằm lâu, việc bảo quản hàng khó khăn, lâu ngày hàng hư hỏng, có những xe hàng phải bỏ”. 

Tài xế làm mọi thứ để có thể tằn tiện, hạn chế chi tiêu. Ảnh: XT.

Cũng theo anh Phương, trước mỗi chuyến hàng, chủ xe ứng cho tài xế khoảng 15 triệu đồng để chi trả tiền cầu đường, bến bãi và ăn uống... tuy nhiên, nay xe nằm cả tháng thì số tiền này không đủ. Các lái xe phải bỏ tiền túi duy trì sinh hoạt khoảng 200 nghìn đồng/người/ngày, sau về đối trừ lại với chủ hàng. 

"Anh em sinh hoạt, ăn ở tại xe luôn. Chủ hàng vẫn kêu nằm chờ khi nào cửa khẩu thông quan thì qua Trung Quốc. Hiện nay, hàng nông sản không thể đẹp như trước, nếu cố giữ cũng chỉ được nửa tháng, không thì đổ bỏ hết. Hiện chưa có thông tin hướng dẫn hay khuyến cáo gì về việc lưu thông hàng hoá trong thời gian tới tại cửa khẩu Kim Thành", anh Phương nói.

Trước nguy cơ nông sản hỏng phải đổ bỏ nhiều chủ hàng đành “xé lẻ” công hàng bán với giá thấp, bèo bọt.

Ông Huỳnh Thanh Cư - lái xe chở xoài từ (Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) ra cửa khẩu Kim Thành khoảng 10 ngày nay, cho biết, ước lượng có gần 100 xe nông sản quanh khu vực cửa khẩu nhưng đã có rất nhiều xe quay đầu vì không chịu nổi chi phí nằm chờ.

"Bên Lạng Sơn không tiếp nhận nên tôi lái xe qua số II Kim Thành nằm chờ hướng giải quyết từ chủ hàng. Tiền chi phí ăn uống, dầu nhớt trước mắt mình phải bỏ ra, nếu xuất sang Trung Quốc được sớm thì chủ hàng sẽ bù cho mình tiền. Còn không thì sẽ quay về nội địa, lúc đó thì không biết như thế nào, tiền cước coi như không có", ông Cư ngậm ngùi. 

Cắn răng bán nông sản giá bèo

Ghi nhận tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, hiện còn hàng chục xe nông sản đỗ rải rác. Chủ yếu các mặt hàng tồn đến thời điểm này là xoài, mít, thanh long... các loại nông sản này đều phải bảo quản trong công lạnh dài ngày. Không chịu nổi "nhiệt", nhiều xe đã quay đầu về xuôi để xử lý số nông sản tồn đọng trước khi chúng bị hỏng.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý cửa khẩu Lào Cai, cho đến thời điểm này, chưa có thông tin về thời gian cửa khẩu có thể xuất nhập, khẩu hàng hóa trở lại sau thông báo dừng do COVID-19 từ phía Trung Quốc vào ngày 17.2.

Trong điều kiện không thể xuất hàng đi Trung Quốc, nhiều chủ hàng và lái xe đành cắn răng "xé lẻ" công để bán lẻ nông sản trong nước với giá bèo bọt.

Tài xế “chôn chân” hàng tháng tại cửa khẩu.

Tại khu vực đường Thủ Dầu Một (phường Duyên Hải, TP Lào Cai) dẫn ra cửa khẩu Kim Thành xuất hiện những điểm bán hoa quả lề đường, ngay bên cạnh những container.  

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, lái xe đến từ Thái Bình cho hay: “Mít Thái Tiền Giang, bán lẻ với giá 10-12 nghìn đồng/kg trong khi nếu sang được Trung Quốc sẽ giá thành sẽ tăng lên 60-70 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khi quyết định "xé lẻ" công ra, nông sản đã hỏng khá nhiều, thiệt hại là rất lớn.

"Xe bốc hàng từ hôm 17 ngày 20.2 ra tới Kim Thành. Do cửa khẩu không đi được nên phải bán lẻ như thế này. Cơ quan địa phương, đơn vị quản lý cửa khẩu khuyến cáo nên bán nhanh không thì thiệt hại sẽ lớn. Giờ giải cứu để đủ lấy tiền cước cho anh em nhà xe. Hiện với công mít đang tồn này là 21 tấn, ước tính số tiền thiệt hại từ 250-300 triệu đồng", ông Hiệp nói.

Theo một số người kinh doanh hoa quả, giao cho các đầu mối tại Lào Cai, mỗi công hoa quả (tuỳ loại) như mít, dưa hấu, thanh long... phải mất tới 15 ngày mới có thể bán lẻ hết. Trong khi đó, các mặt hàng này càng để lâu tỷ lệ hư hỏng cao và phải chọn, lọc hàng ra để bán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn