MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Vũ Long

Trung Quốc siết kiểm soát, cần tháo nhiều "nút thắt" cho xuất khẩu nông sản

Vũ Long LDO | 27/08/2021 14:38

Từ ngày 1.1.2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam.

Cánh cửa biên mậu đang dần hẹp lại

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Kinh tế - Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã thông báo: Từ ngày 1.1.2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam.

Mặc dù các chính sách siết chặt hàng rào kỹ thuật bắt đầu từ tháng 1.2022, nhưng từ một tháng nay, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đã gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, mới đây, phía Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Hà Khẩu (phía Việt Nam là cửa khẩu Lào Cai) và cửa khẩu Thiên Bảo (phía Việt Nam là cửa khẩu Thanh Thủy thuộc tỉnh Hà Giang) khiến xuất khẩu mặt hàng này đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, thanh long tại các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch rộ với sản lượng khá lớn.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), sản lượng thanh long tại các tỉnh phía Nam khoảng trên 1 triệu tấn, tập trung tại tỉnh Bình Thuận: 571 nghìn tấn; Long An: Trên 233 nghìn tấn; Tiền Giang: Trên 156 nghìn tấn. Trong đó, chỉ riêng trong tháng 8.2021, sản lượng thanh long tại các tỉnh trọng điểm phía Nam là 170 nghìn tấn. Chưa kể, thanh long còn được trồng nhiều tại một số tỉnh phía Bắc để phục vụ xuất khẩu.

Không chỉ thanh long, hầu hết mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đang gặp khó khăn. Theo ông Lương Trọng Quỳnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện phía Trung Quốc kiểm hóa 100% lô hàng trái cây của Việt Nam, nên thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn.

“Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam” – ông Lương Trọng Quỳnh thông tin.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, từ cuối tháng 5.2021, Trạm Giang - một trong những trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước sản xuất thủy sản lớn bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, cùng với 8 quốc gia Châu Á khác từ ngày 20.6 đến 15.7.2021 khiến xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc  từ quý II/2021 bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Khơi thông luồng xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc

Trước thông tin Trung Quốc siết chặt hàng hóa xuất khẩu từ một số thị trường, trong đó có Việt Nam, Bộ NNPTNT đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Kinh tế - Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để tháo gỡ khó khăn. 

“Tình hình xuất nhập khẩu giữa 2 nước là vấn đề quan trọng, tôi cũng đánh giá là nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay đạt mức độ tăng trưởng tốt dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. 2 bên hợp tác với nhau để đạt được thành tích này, trước hết là nhờ chỉ đạo chặt chẽ, sáng suốt từ lãnh đạo 2 nước. Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cũng có nhiều thư gửi đến bộ ngành và các đối tác của phía Trung Quốc, đặc biệt là thư gửi đến Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất một số vấn đề quan trọng và đề xuất một số ý kiến chỉ đạo”- ông Hồ Tỏa Cẩm nói.

Mùa nhãn lồng 2021 vắng bóng thương lái Trung Quốc thu mua. Ảnh: Đ.C

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NNPTNT vừa gửi công hàm tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đề nghị các cơ quan chức năng của Trung Quốc triển khai các giải pháp, mở cửa thị trường, đề nghị các lực lượng hải quan tại biên giới tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm dịch, cho xuất khẩu trở lại đối với thanh long tại cửa khẩu Hà Khẩu, Lào Cai.

Bộ NNPTNT cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên cập nhật, nắm thông tin, kịp thông báo và thời gian hướng dẫn các doanh nghiệp, thương nhân về quy định mới của phía Trung Quốc áp dụng từ ngày 1.1.2022 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu và Quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc). Trong đó, đặc biệt là hướng dẫn, chú trọng đảm bảo về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại... sản phẩm

"Các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin về một số chính sách mới mà phía Trung Quốc sẽ áp dụng với các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam từ đầu năm 2022 để xây dựng kịch bản xuất khẩu, giải pháp thích ứng và kết nối giao thương, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc" – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Cùng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân, mới đây ngày 23.8, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã công thư gửi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc và Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan và xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn