MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chế biến thủy sản xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn gần đây đòi hỏi nhiều quy định khắc khe. Ảnh: Nhật Hồ

Trung Quốc siết quy định nhập khẩu, thủy sản Việt Nam bàn cách thích ứng

NHẬT HỒ LDO | 15/08/2022 14:27

Bạc Liêu – Ông Trần Ngọc Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VII đề nghị các doanh nghiệp tổ chức xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu của các thị trường. Bởi Trung Quốc đã siết chặt quy định nhập khẩu, nếu các doanh nghiệp không chủ động sẽ khó vào thị trường Trung Quốc.

Ngày 15.8, tại tỉnh Bạc Liêu, Sở NNPTNT Bạc Liêu phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) tổ chức Hội nghị “Xuất khẩu thủy sản thích ứng trong bối cảnh Trung Quốc triển khai Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu".

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, với việc áp dụng lệnh 248, 249, Trung Quốc sẽ tiến hành chặt chẽ hơn và bất kỳ lúc nào khi các doanh nghiệp Việt Nam vi phạm các quy định của hiệp định về vấn đề dịch bệnh trên thủy sản hay vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép đối với hóa chất kim loại trong sản phẩm thủy sản thì ngay lập tức họ có thể cấm các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua đó. Chính vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ nghiêm lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Nếu không có thể bị thiệt hại do Hải quan Trung Quốc ngừng nhập khẩu khi phía doanh nghiệp Việt Nam không tuân thủ quy định.

Tại hội nghị, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin: Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 36% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2028, với mức tiêu thụ bình quân đầu người đạt khoảng 44,3kg so với 39,3kg trong giai đoạn hiện nay.

Để tận dụng cơ hội thị trường Trung Quốc, bà Lê Hằng cho rằng, các doanh nghiệp phải nắm vững tính đa dạng vùng miền, phong tục, thói quen tiêu thụ thực phẩm để khai thác nhu cầu ở từng phân khúc thị trường khác nhau.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Hải Yến, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với sản phẩm ngày càng cao, đặc biệt phải là mặt hàng có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Hải quan Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm nhà xưởng; thiết lập hệ thống ghi chép hồ sơ đảm bảo truy xuất nguồn gốc để đáp ứng kiểm tra trước và sau khi đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc.

Vùng nuôi tôm phía Nam dần sử dụng công nghệ theo hướng an toàn dịch bệnh. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Trần Ngọc Tuyên, Chi cục trưởng Chi Cục Thú y Vùng VII cho biết sẽ tổ chức thông tin tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch con giống, buôn bán và sử dụng thuốc thú y thủy sản tại các vùng nuôi, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm gây mất an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến uy tín tôm của Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn