MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trung Quốc thiếu điện do giá than "phi mã" ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

Cường Ngô LDO | 01/10/2021 09:18

Trung Quốc đang trải qua giai đoạn thiếu điện trầm trọng do áp lực từ mục tiêu giảm phát thải và giá than tăng mạnh. Hậu quả là ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng ngày một rõ nét của việc thiếu điện. Điều này liệu có tác động đến các ngành hàng, nhất là ngành năng lượng của Việt Nam?

Chưa ghi nhận tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào

"Giá một số nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng trong ngắn hạn nhưng việc sản xuất của doanh nghiệp Việt chưa bị ảnh hưởng ngay" - là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương).

Theo ông Thành, hiện nay, Bộ Công Thương "chưa ghi nhận phản ánh nào của doanh nghiệp Việt Nam về việc thiếu nguyên liệu đầu vào, trong đó có nguồn than".

Điều này được ông lý giải bằng việc, từ đợt dịch đầu tiên năm 2020 đã xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đã quen dần và có phương án ứng phó, chuyển hướng nhập nguyên liệu từ các thị trường khác thay thế.

Bên cạnh đó, nhu cầu nguyên liệu đầu vào hiện chưa cao do năng lực sản xuất công nghiệp trong nước giảm mạnh, do ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 lần thứ tư khi Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội. 

Chính vì vậy, thời điểm này, nhu cầu nguyên liệu đầu vào chưa thể hiện rõ sự thiếu hụt và doanh nghiệp chưa đề cập vấn đề này.

Tác động tiêu cực đến tận những hộ gia đình cho thấy cuộc khủng hoảng điện tại Trung Quốc đang rất căng thẳng. Ảnh minh hoạ. Nguồn Tân hoa xã. 

"Qua rà soát một số mặt hàng như thép xây dựng, Việt Nam không lo ngại việc phụ thuộc vào phía nước bạn.

Một số ngành khác cũng như vậy, hiện chưa ghi nhận sự thiếu hụt nguyên liệu sản xuất", ông Thành khẳng định, đồng thời cho biết trong thời gian tới sẽ phối hợp với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để trao đổi; nếu có sự biến động các nguyên liệu đầu vào trong ngành công nghiệp, sẽ có phương án ứng phó.

Bài học nhãn tiền cho Việt Nam

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, với kim ngạch 81,2 tỉ USD tăng gần 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, than đá là một trong những nhóm hàng có tỉ trọng nhập nhiều từ thị trường này, bên cạnh thị trường Indonesia và Nga.

Những năm gần đây, nhập khẩu than của Việt Nam tăng nhanh do nhu cầu than cho các nhà máy điện, trong khi khai thác nội địa ngày càng khó khăn, chi phí tốn kém do phải khai thác dưới độ sâu dẫn đến hiệu quả không cao.

Việc nguyên liệu đầu vào (than đá) phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam và "cuộc khủng hoảng" thiếu điện ở Trung Quốc thời gian qua là "bài học nhãn tiền".

Trao đổi với Lao Động, bà Nguỵ Thị Khanh - Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng, những gì đang diễn ra ở Trung Quốc là lời cảnh báo kịp thời cho Việt Nam, để tiến hành điều chỉnh quy hoạch phát triển điện trong 10 năm tới.

Lý do bởi cơ cấu và tỉ trọng ngành điện của Việt Nam theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ khá giống với hệ thống điện của Trung Quốc, đó là phụ thuộc vào thuỷ điện lớn, nhiệt điện than và khí.

Theo vị này, việc này sẽ tạo rủi ro rất lớn, bởi hầu hết các dự án điện than mới đều sử dụng nguồn than nhập khẩu - trong khi giá than trên thị trường thế giới đang tăng "phi mã". 

Trên thực tế giá than 6 tháng đầu năm 2020 đã là 98,8 USD/tấn, đến năm nay đã tăng lên 159,7 USD/tấn có nghĩa là tăng 150%. 

Nếu tính cả chi phí ngoại biên (chi phí môi trường sức khỏe), giá sản xuất điện than có thể tăng thêm 5 UScent/kWh nữa, tương đương 15- 16UScent/kWh, đắt hơn tất cả các loại hình năng lượng tái tạo. Trong khi giá than nhiên liệu hiện chiếm tới 60% giá thành điện sản xuất từ than.

"Trung Quốc có tiềm lực về tài chính rất mạnh, lại chủ động về công nghệ, hơn hẳn Việt Nam. Song, họ vẫn rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu điện do phụ thuộc vào nguồn than đá.

Nếu chúng ta vẫn chọn phụ thuộc vào điện than và nhập khẩu than từ nước ngoài có thể ẩn chứa nhiều rủi ro cho an ninh năng lượng", bà Khanh nói và cho biết - với tỉ trọng điện hóa thạch cao, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với thuế carbon của các nước phát triển và mất đi ưu thế cạnh tranh.

Đồng thời, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các doanh nghiệp FDI có nhu cầu sử dụng điện sạch và theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon mà họ cam kết.

"Tôi cho rằng, với bài học nhãn tiền như vậy, đây là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách thay đổi. Nhìn từ thực tiễn và kinh nghiệm của Đan Mạch - khi họ vượt qua khủng hoảng năng lượng ở thập niên 70 là chọn nguồn nhiên liệu 0 đồng, năng lượng tái tạo.

Họ phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là để thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu khí và sau mấy chục năm họ thành nước xuất khẩu công nghệ điện gió", bà Khanh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn