MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung Quốc kiểm tra rất gắt gao virus SARS-CoV-2 trên bao bì các lô hàng thanh long xuất khẩu. Ảnh: TL

Trung Quốc vẫn kiểm tra "gắt" virus SARS-CoV-2 trên các lô hàng thanh long

Vũ Long LDO | 14/01/2022 17:37

Mở cửa cho thanh long Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai, nhưng Trung Quốc kiểm tra rất gắt gao virus SARS-CoV-2 trên bao bì các lô hàng xuất khẩu.

Tiếp tục kiểm tra virus SARS-CoV-2 trên vỏ bao bì

Theo Bộ Công Thương, mặc dù mở cửa cho các lô hàng thanh long xuất khẩu qua cửa khẩu Kim Thành II (Lào Cai), nhưng Trung Quốc vẫn kiên định với chiến lược “Zero COVID” nên kiểm tra rất gắt gao virus SARS-CoV-2 trên vỏ bao bì các lô hàng xuất khẩu.

Vì vậy, để xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc không bị gián đoạn vì các rủi ro liên quan đến dịch COVID-19, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Vấn đề sống còn lúc này là giữ cho hàng hóa, bao bì không bị nhiễm virus. Nếu phía nước bạn lại phát hiện axit nucleic trên bao bì hay hàng hóa thì họ có thể sẽ lại đóng cửa với trái cây Việt Nam”.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NNPTNT) - cũng nhấn mạnh về những yêu cầu kỹ thuật mà Hải quan Trung Quốc yêu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này.

“Chỉ những cơ sở có tên trong danh sách được Trung Quốc công nhận và từ vùng trồng được Trung Quốc công nhận thì mới được xuất khẩu sang Trung Quốc. Hàng đi chính ngạch, hàng đi tiểu ngạch, hàng đường bộ hay đường thủy đều phải đáp ứng những yêu cầu, không có phân biệt gì khác biệt cả” - ông Nguyễn Như Tiệp nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Như Tiệp lưu ý, phía Trung Quốc gần đây xét nghiệm virus SAS-CoV-2 trên bao bì ngoài chứ không phải trên bao bì trực tiếp bao gói sản phẩm. Thực tế cho thấy, virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện trên bao bì ngoài chứ không phải trên thực phẩm là quả thanh long hay bao bì trực tiếp đựng quả thanh long.

Cho đến nay, Trung Quốc chưa phát hiện SAS-CoV-2 trên thực phẩm. Ngoài việc kiểm tra an toàn thực phẩm thì phía Trung Quốc lấy mẫu kiểm tra bao bì ngoài để xét nghiệm SAS-CoV-2. Vì vậy, các đơn vị doanh nghiệp bên cạnh việc tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, về xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở bao gói để đảm bảo yêu cầu về chứng từ gốc.

“Các lô hàng thực vật, động vật đều phải có giấy chứng nhận kiểm định thực vật đối với thực vật và giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thủy sản hoặc động vật thì mới đáp ứng yêu cầu để hải quan Trung Quốc cho thông quan” - ông Nguyễn Như Tiệp thông tin.

Giải pháp lâu dài để xuất khẩu thanh long bền vững

Theo ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), ngoài việc cần sàn thương mại điện tử đối với mặt hàng nông sản, thì cần tìm thị trường có yêu cầu không quá cao, tương tự Trung Quốc, mở rộng các thị trường mới để xuất khẩu lâu dài.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của vận tải hàng không. Còn đối với đường biển, những chủ hàng lớn, chủ hàng cần xuất đi gấp thì có thể cùng gom chung 1 nguồn hàng để thuê những chuyến tàu trực tiếp có thể chở từ 500-600 container để đi một cảng nào đó ở Trung Quốc thay cho việc chia nhỏ ra ở các hãng tàu.

Ông Mai Xuân Thìn - Giám đốc Công ty Rồng Đỏ - đề nghị UBND các tỉnh trồng thanh long, đặc biệt là tỉnh Bình Thuận nên xúc tiến nhanh để nông dân chuyển đổi từ trồng thanh long ruột trắng sang ruột đỏ càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng tốt vì thanh long ruột đỏ có giá trị cao hơn, có thể chế biến sâu được, có thể trữ đông được để bán cho các công ty chế biến toàn cầu.

“Thông tin hiện nay thanh long trắng giá 1.000 đồng/kg nhưng thanh long ruột đỏ vẫn có giá 5.000-6.000 đồng/kg, các nhà máy chế biến có thể trữ đông để chế biến” - ông Thìn nói.

Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - khẳng định: Tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc trong giai đoạn cận Tết đã xảy ra trong nhiều năm gần đây với những nguyên nhân đến từ nội tại của sản xuất, xuất khẩu nông sản.

Do đó, về lâu dài, cần quan tâm đến chất lượng nông sản, nâng tầm nông sản xuất khẩu để đa dạng hoá thị trường; xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và thâm nhập vào các thị trường đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ thị trường này.

Bộ Công Thương đề nghị địa phương cần quan tâm đến kế hoạch kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ, đặc biệt là với người mua, khách hàng tại Trung Quốc. Đã có rất nhiều kinh nghiệm từ các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương làm rất tốt việc kết nối giao thương ngay từ đầu vụ nên vài năm gần đây, không có tình trạng tắc nghẽn với nông sản ở các địa phương này.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị đàm phán về kiểm dịch để ta có nhiều loại quả hơn xuất khẩu sang Trung Quốc và giảm bớt tỉ lệ trái cây phải kiểm dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn