MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Quách Mạnh Hào, Giảng viên ĐH Lincoln - Vương quốc Anh

TS Quách Mạnh Hào khuyên đầu tư gì khi chứng khoán vào giai đoạn tiền khó

Lan Hương LDO | 08/08/2022 21:20

Ngân hàng, vật liệu xây dựng, chứng khoán, bán lẻ, thực phẩm... là nhóm cổ phiếu đáng chú ý trong dài hạn. Trong ngắn hạn, TS Quách Mạnh Hào cho biết cũng không nên từ bỏ cơ hội đối với nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp có đột biến về kinh doanh, "có game"...

Đầu tư cổ phiếu nào khi tiền không còn rẻ?

TS Quách Mạnh Hào, Giảng viên ĐH Lincoln - Vương quốc Anh cho rằng ngoài việc chú trọng đến doanh nghiệp có tiềm năng kinh doanh tốt thì ông còn quan tâm việc doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp có kéo dài trong thời gian đủ dài không.

“Trong dài hạn, để mua gom dần, có thể nhìn vào nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng (ăn theo đầu tư công), bán lẻ, thực phẩm.

Trong ngắn hạn, tôi quan sát dòng tiền, xã hội đang quan tâm đến cái gì? Trong bất kì sóng tăng của chứng khoán, dù lớn hay nhỏ thì không bao giờ nằm ngoài ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.

Trong giai đoạn tiền khó, ta nên tập trung cổ phiếu tốt. Tốt tức là doanh nghiệp trong ngành có triển vọng kinh doanh tốt, và kết quả tốt đó kéo dài trong 5 năm chứ không phải các doanh nghiệp năm trước lỗ, năm sau tăng đột biến. Hiện tại nhà đầu tư nên thận trọng nhìn vào quãng đường dài của doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh phập phù thì thể hiện là doanh nghiệp có rủi ro.

Hiện một số nhà đầu tư trên thị trường có suy nghĩ rằng nếu doanh nghiệp có đột biến về kết quả kinh doanh thì thường “có game”. Tôi cho rằng không nên từ bỏ cơ hội, nhưng đối với cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh đột biến và rủi ro thì chỉ nên giữ trong ngắn hạn”, TS Quách Mạnh Hào cho biết.

Chỉ số VN-Index trên thị trường chứng khoán

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup đưa ra dự báo ngành hàng không, cảng biển, bất động sản khu công nghiệp, bia, nước có tiềm năng tốt.

Lý giải cho ý kiến trên, ông Trần Ngọc Báu cho biết nếu nhìn vào vĩ mô, trong quý III, quý IV/2021, Việt Nam ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên những nhóm ngành liên quan đến vận tải, hàng tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng với sự phục hồi mạnh mẽ, giá vé máy bay đã tăng trưởng 25% so với cùng kỳ, mật độ di chuyển khoảng 5,3 triệu lượt khách và khách quốc tế cũng đang quay lại tương đối cao. Việc di chuyển duy trì tốt giúp vị thế ngành hàng không và dịch vụ vận tải hàng không sẽ có sự khởi sắc. Cùng với đó ngành cảng biển cũng được chú ý.

“Nhà đầu tư cũng có thể quan tâm đến bất động sản khu công nghiệp, hiện tại mặc dù vốn đăng ký chưa phục hồi lại nhưng vốn thực hiện đang tăng rất mạnh. Thời gian qua, những dự án bất động sản công nghiệp phía Nam đã tăng trưởng tốt và trong năm tới lĩnh vực này tại phía Bắc sẽ có động lực lớn tăng theo.

Ngoài ra có hai ngành vừa tăng về giá vừa tăng về sản lượng đó là bia và ngành nước. Đặc biệt, ngành nước có đặc thù chi phí đầu vào không tăng nhưng sản lượng và giá thì không bao giờ giảm dẫn tới định giá rất hấp dẫn”, ông Trần Ngọc Báu cho hay.

Tiền bị rút ra, thị trường chứng khoán dự báo lùi về mốc 1200 điểm

Câu hỏi đặt ra lúc này là các yếu tố kinh tế vĩ mô sẽ ảnh hưởng ra sao đến các thị trường chứng khoán? 

Ông Trần Ngọc Báu phân tích, nhìn vào tổng thể thị trường, mặc dù đã trải qua quá trình khủng hoảng về thanh khoản trong 2 tháng trước, nhưng đến nay thị trường đang lấy lại điểm cân bằng, tin xấu đã không còn. Nhưng trong vòng một năm tới không thể kỳ vọng thị trường sẽ thuận lợi. Về cơ bản, thị trường sẽ vẫn thiếu tiền và không có biến động mạnh nên nhà đầu tư phải “liệu cơm gắp mắm”.

Đồng quan điểm trên, TS. Quách Mạnh Hào cho biết: “Khi tiền bị rút ra, thị trường về lại mức nó vốn có là 1.200 điểm. Thị trường sẽ dao động xoay quanh mức này. Thời gian vừa qua rồi thị trường điều chỉnh hơi thái quá do rút tiền dồn dập. Khoảng 2 tuần gần đây, thị trường mới tìm được vị trí cân bằng hợp lý. Về dài hạn thì thị trường sẽ nhiều khả năng đi ngang giảm trong 1 năm tới. Sau đó thì triển vọng thị trường sẽ tốt hơn”.

“Chúng ta đang đối mặt với rủi ro lớn là nguồn tiền bị rút ra. Việc tăng lãi suất dù chưa xảy ra nhưng rủi ro việc thắt chặt tiền tệ là rõ ràng”, TS. Quách Mạnh Hào nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn