MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 (VBF). Ảnh PV

TS Vũ Tiến Lộc: Làm sao để tránh “một nền kinh tế có hai tốc độ?”

Lan Hương LDO | 16/06/2017 10:47
Sáng 16.6, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 (VBF) - cho biết, diễn đàn sẽ chú trọng đến việc tăng mức độ kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân Việt Nam. 

“Một nền kinh tế với 2 tốc độ” hay “2 nền kinh tế trong một quốc gia” là cách mà các chuyên gia nói về tốc độ phát triển của DN FDI và DN tư nhân trong nước còn khoảng cách chênh lệch lớn. Nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn yếu nên chưa tận dụng được cơ hội, công nghệ và tiềm lực của các doanh nghiệp FDI đem lại.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt, hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực được chào đón, được Chính phủ kỳ vọng về những tiến bộ của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. 

“Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay kết nối chưa thành công vào chuỗi sản xuất toàn cầu”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Theo điều tra của VCCI, tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI tương đối hạn chế. Theo PCI 2016, khoảng 14% doanh nghiệp tư nhân đang có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Tín hiệu tích cực là con số này có dấu hiệu cải thiện theo thời gian, dù rất chậm chạp.

Về phía doanh nghiệp FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu (theo thống kê thì chỉ 26,6% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam). Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn là các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp và có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước ít hơn.

Nguyên nhân chính của việc những kết nối lỏng lẻo này là do những hạn chế của doanh nghiệp trong nước liên quan tới marketing hay thông tin kết nối cung cầu, chưa đáp ứng những tiêu chuẩn về quản lý sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa đạt được các yêu cầu đề ra.

“Tôi cho rằng, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI. Nếu không có một lực lượng lao động chất lượng cao thì dù khoảng cách trình độ công nghệ không xa hay khoảng cách địa lý giữa doanh nghiệp FDI và tư nhân trong nước có gần như thế nào đi nữa, thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không thể học hỏi được công nghệ nói chung và công nghệ quản lý nói riêng của các doanh nghiệp FDI”, Chủ tịch VCCI cho biết.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Việt Nam cần phải tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ cần nhanh chóng hiện thực hoá các chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Chỉ có cách này Việt Nam mới tránh được tình trạng “nền kinh tế có hai tốc độ”, hay “hai nền kinh tế trong một quốc gia” như nhiều chuyên gia cảnh báo.

 

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn