MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chùa Đồng, Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Từ 1.2018, thu phí tham quan Yên Tử

Nguyễn Hùng LDO | 14/12/2017 10:35

HĐND tỉnh Quảng Ninh hôm qua 13.12 đã thông qua Nghị quyết về việc thu phí tham quan danh thắng Yên Tử. 

Theo đó, từ 1.1.2018, sẽ chính thức thu phí tham quan danh sơn này, với mức 40.000 đồng/lượt/người lớn và 20.000 đồng/lượt/trẻ em. Việc miễn, giảm phí cũng sẽ được áp dụng cho một số đối tượng theo chính sách của Nhà nước. Hiện, đang có dư luận trái chiều về việc thu phí này.

Tại cuộc họp báo chiều qua (13.12), theo ông Hồ Văn Vịnh – Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ninh – việc HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua nghị quyết trên căn cứ vào quyền hạn, trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh và căn cứ vào Luật phí, lệ phí.

“Lâu nay, du khách đến Yên Tử đều được hưởng miễn phí các dịch vụ công do ngân sách đầu tư, như: đường giao thông, an ninh, trật tự, vệ sinh…”- ông Vịnh cho biết.

Theo ông Trần Văn Lâm – Bí thư TP.Uông Bí, có ý kiến cho rằng việc thu phí tham quan Yên Tử là can thiệp vào tự do tín ngưỡng là không đúng, bởi đây là thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, chứ không phải phí thăm chùa.

Trước đây, Quảng Ninh từng thu phí tham quan Yên Tử và dừng từ năm 2007. Tuy nhiên, theo ông Lâm, từ nhiều năm nay, ngân sách Nhà nước phải bỏ ra những khoản tiền lớn để đầu tư, tôn tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở và nuôi bộ máy Ban quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Việc thu phí trở lại cũng nhằm một phần giảm gánh nặng cho ngân sách; hơn nữa, nhiều danh thắng khác, như chùa Hương, chùa Thầy... cũng đã thu phí tham quan từ lâu.

Theo ông Phạm Văn Dược – Phó trưởng Ban QLDT-RQG Yên Tử, lâu nay, không ít người nghĩ rằng 2 khoản thu chính là dịch vụ cáp treo và tiền công đức, giọt dầu trên Yên Tử đều do ban này quản lý.

Đường Trúc trên Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Tuy nhiên, đây là những khoản tiền do nhà đầu tư thu bởi họ đã bỏ ra cả ngàn tỉ đồng để làm cáp treo; trong khi tiền công đức, giọt dầu (ước tính vài chục tỉ đồng/năm) đều do nhà chùa quản lý và sử dụng.

Trong khi đó, 7 tỉ đồng/năm từ ngân sách Nhà nước chủ yếu chi cho tổ chức bộ máy của ban và một phần nhiệm vụ chi thường xuyên ở mức tối thiểu; những việc tu bổ lớn phải làm đề án xin từ nguồn khác.

“Hơn nữa, từ năm 2019, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, với 60 người, sẽ phải tự chủ tài chính 100%. Nếu không có nguồn thu từ phí tham quan thì ban sẽ hoạt động thế nào?” – ông Dược chia sẻ.

Theo Sở Tài chính Quảng Ninh, với lượng khách trung bình 1,5 triệu lượt người/năm (đã miễn, giảm cho một đối tượng theo quy định), mỗi năm sẽ thu được khoảng 40 tỉ đồng từ phí tham quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn