MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang nỗ lực tái cơ cấu, hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học, chất lượng cao. Ảnh: Duy Giang

Từ 20.4, tăng mạnh mức xử phạt vi phạm về chăn nuôi

Phong Nguyễn LDO | 02/04/2021 11:00
Ngày 1.3.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP (Nghị định 14) của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi. Theo đó, từ ngày 20.4 (thời điểm Nghị định 14 có hiệu lực thi hành), tất cả hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán, chăn thả, nhân giống… vật nuôi; sản xuất, buôn bán, xuất nhập khẩu, công bố chất lượng thức ăn chăn nuôi… đều bị xử phạt rất nặng.

Siết chặt toàn diện quy định về chăn nuôi

Theo quy định tại Nghị định số 14, tất cả lĩnh vực của ngành Chăn nuôi như: Thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gene giống vật nuôi; trao đổi giống vật nuôi cấm xuất khẩu; trao đổi nguồn gene giống vật nuôi quý hiếm; Vi phạm quy định về nhập khẩu giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi; Vi phạm quy định về điều kiện sản xuất, mua bán con giống vật nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng giống vật nuôi trong sản xuất, mua bán; Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về công bố thông tin sản phẩm và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh; Vi phạm quy định về chăn nuôi nông hộ, trang trại…; vi phạm về nuôi chim yến… phải chịu mức xử phạt hành chính ở mức rất cao, có thể đến 35 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Cty TNHH Thành Đô Nghệ An - cho rằng, quy định mới của pháp luật áp dụng trong ngành Chăn nuôi đang từng bước đưa ngành Chăn nuôi vào quy củ để có một ngành Chăn nuôi hiện đại hơn, an toàn hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn.

Còn ông Nguyễn Văn Chiểu (chăn nuôi lợn tại Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai) cho hay, hầu như không có trang trại chăn nuôi có quy mô ở mức trung bình trở lên dám “liều mình” không thuê chuyên viên kỹ thuật, bác sĩ thú y theo dõi, chăm sóc đàn vật nuôi. Nhưng đối với các gia hộ lại khác. Do đó, quy định này có thể khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải cân nhắc: Hoặc phát triển quy mô chăn nuôi, nếu giữ nguyên thì phải có bác sĩ thú y.

“Chi phí cho bác sĩ thú y không nhỏ, nên có thể mức lãi chăn nuôi sẽ không còn nếu các hộ không mở rộng quy mô. Điều này có thể khiến nhiều hộ chăn nuôi ở quy mô nhỏ phải bỏ cuộc” - ông Chiểu nêu ý kiến.

Theo Cục Thú y, trong 2 năm qua, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng mạnh trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa bảo đảm yêu cầu an toàn sinh học còn chiếm tỉ lệ cao. Ngành Chăn nuôi đang nỗ lực tái cơ cấu. Ngoài hiện đại hóa ngành Chăn nuôi, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, còn nỗ lực hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, nâng cao giá trị đàn vật nuôi cũng như nhiều giá trị gia tăng khác. Điều này đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về chăn nuôi.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) - nhấn mạnh: Xu hướng tất yếu của ngành NNPTNT, trong đó có chăn nuôi, là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số là tất yếu. Tuy nhiên, tùy từng lĩnh vực khác nhau trong ngành Chăn nuôi mà có sự thay đổi mức độ khác nhau. Tại thời điểm này và trong thời gian ngắn tới, vẫn phải duy trì 2 hình thức chăn nuôi trang trại và nông hộ. Tuy nhiên, cũng như xu thế của thế giới, chăn nuôi nông hộ sẽ dần thu hẹp lại, chăn nuôi trang trại sẽ tăng quy mô lên rất lớn, thậm chí như nước Mỹ dồn lại chỉ còn 8 công ty thôi, tất cả phải nằm trong hệ thống gia công hết.

Ở Việt Nam, chưa thể mất hình thức nông hộ được vì còn liên quan đến công ăn việc làm, ổn định sự phát triển nông thôn trong sự phát triển nông thôn mới. Nhưng tất yếu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ này không thể cạnh tranh được với các trang trại lớn vốn có nhiều thế mạnh, nên chắc chắn sẽ phải chuyển đổi hình thức chăn nuôi, như chăn nuôi các con vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao như lợn mán, lợn sọc dưa, các loại gà vịt bản địa, đặc sản…

Phân cấp quản lý, hướng đến ngành chăn nuôi an toàn, hiện đại

Trao đổi với PV Lao Động chiều 31.3, ông Tống Xuân Chinh nói: Ngành Chăn nuôi đang ở giai đoạn đặc thù, các quy định về chăn nuôi đã được kiến thiết trong 1 thời gian dài và đến cuối năm 2018 ban hành Luật Thú y. Sau khi Luật Thú y và một số nghị định hướng dẫn thi hành được ban hành, Bộ NNPTNT cũng đã ban hành 4 thông tư để hướng dẫn chi tiết các quy định trong Luật Chăn nuôi và Nghị định của Chính phủ.

“Nghị định số 14 ra đời là một điểm rất mới cho cơ quan quản lý Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương, đồng thời cũng là một công cụ hữu hiệu để cơ quan quản lý thực thi quy định trong lĩnh vực chăn nuôi theo thẩm quyền mà Chính phủ đã phân cấp, nhằm đưa quản lý chăn nuôi về nền nếp” - ông Tống Xuân Chinh khẳng định.

Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, thẩm quyền xử phạt đã được phân về tất cả bộ, ngành, đơn vị, đặc biệt là các địa phương. Vấn đề quản lý, xử phạt chủ yếu do các tỉnh làm, nghị định đã phân rõ chức năng nhiệm vụ của hải quan, thú y, quản lý thị trường… Các đơn vị, cá nhân thi hành có thể chiểu theo quy định của pháp luật để thực thi vì đều được quy định cụ thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn