MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân TPHCM được phân vùng để đi chợ. Ảnh: Anh Tú

Từ 23.8, người dân TPHCM đi chợ, mua sắm hàng hoá thực phẩm như thế nào?

Huyên Nguyễn LDO | 21/08/2021 19:01

Người dân tại vùng xanh - vùng vàng có điều kiện, chưa cần nhờ sự hỗ trợ của địa phương sẽ được phép đi chợ 1 tuần/lần.

Chuẩn bị 2 triệu gói an sinh xã hội

Tại họp báo chiều 21.8, ông Phạm Đức Hải – Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, sau khi thành phố thông tin sẽ tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp chống dịch, do tâm lý lo lắng, nên sáng nay người dân ra đường rất đông, mua sắm tích trữ hàng hoá. Điều này gây ra tình trạng mất trật tự, dịch bệnh cũng dễ lây lan, nếu không chấm dứt khó kiểm soát được dịch.

Theo ông Hải, từ ngày 23.8, từng nhóm trường hợp "người không được ra đường" và "người được cấp phiếu đi chợ 1 tuần/lần".

Cụ thể, TPHCM sẽ phân chia làm hai nhóm gồm: Nhóm vùng xanh - vùng vàng và nhóm vùng cam - vùng đỏ.

Đối với nhóm vùng xanh - vùng vàng, cũng được chia làm 2 nhóm. Trường hợp người dân có điều kiện mà chưa cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương sẽ được cho phép đi chợ 1 tuần/lần.

Đối với nhóm vùng cam - vùng đỏ, tổ công tác sẽ giúp người dân đi chợ và người dân sẽ trả tiền, việc đi chợ cũng sẽ thực hiện 1 tuần/lần. Trường hợp người có hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ nhận được gói hỗ trợ an sinh.

Ông Phạm Đức Hải – Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thông tin tại họp báo 21.8. Ảnh: Thành Nhân

Ông Hải cho biết thêm: Hiện nay, thành phố đang có 2 triệu gói hỗ trợ an sinh và có thể nhiều hơn, cùng với các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM để giúp đỡ người khó khăn.

Tổ công tác đặc biệt sẽ phát các gói hỗ trợ này tới người dân một tuần/lần. Ở vùng cam và vùng đỏ, thành phố cũng chia ra hai nhóm tương tự. Với người dân chưa cần hỗ trợ, tổ công tác sẽ đi chợ giúp, người dân trả tiền, một tuần/lần. Phần còn lại, với những người khó khăn, sẽ nhận được các gói hỗ trợ.

"Thành phố đã cung cấp cho các phường, xã gần 3.000 địa chỉ cung ứng hàng hoá thiết yếu. Trường hợp địa bàn thiếu hàng hoá, thành phố sẽ đưa xe lưu động mang lương thực, thực phẩm tới để người dân mua", ông Phạm Đức Hải nói.

Khuyến khích người dân đặt mua đủ dùng trong 1 tuần

Trao đổi bên lề họp báo, ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết: Hiện nay, trên địa bàn, việc cung ứng hàng hoá cho người dân vẫn đảm bảo mặc dù 3 chợ đầu mối ngưng hoạt động nhưng qua hệ thống thương lái và sự chủ động của các hệ thống phân phối, nguồn hàng phục vụ cho thành phố vẫn đảm bảo.

Trong thời gian sắp tới, chỉ có một điều chỉnh nhỏ ở việc người dân có được đến siêu thị hay đến chợ để mua lương thực, thực phẩm hay không. Việc này tuỳ vào khu vực mà người dân sinh sống. Do đó, ông Tú khẳng định nguồn cung ứng cũng sẽ không bị ảnh hưởng.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM. Ảnh: Huyên Nguyễn

Ông Tú cho hay, với những khu vực được tổ công tác đặc biệt hỗ trợ đi chợ sẽ luân phiên nay nhà này mai nhà kia nhưng đảm bảo mỗi nhà sẽ được đi chợ giúp 1 lần/tuần.

“Đương nhiên, việc đi chợ như thế này sẽ không thể mua thoải mái như người dân tự đi chợ, Có gì thì nhân dân cũng thông cảm việc này. Chính quyền sẽ cung cấp tốt nhất có thể tới người dân”, ông Tú bày tỏ.

Về giới hạn số tiền đi chợ, ông Tú cho hay Sở Công Thương sẽ không quy định cụ thể việc này, từng tổ công tác sẽ cố gắng hỗ trợ cho người dân nhưng mong rằng người dân cũng mua vừa đủ để có thể tiêu dùng trong vòng 1 tuần. Các anh chị ở tổ công tác sẽ hiểu rõ nhất gia đình từng hộ.

Chợ được khuyến khích hoạt động trở lại chủ yếu là bán lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt bình thường của người dân. Trong đó, cần tuân thủ việc giãn cách giữa các gian hàng và đảm bảo quy định biện pháp phòng chống dịch, đi vào 1 hướng, đi ra 1 hướng.

Ông Tú nhận định, hiện nay các lực lượng ở địa phương đang tổ chức rất tốt việc cung ứng hàng hoá, người dân đã từng đi siêu thị thì hầu hết đã nắm được các mặt hàng, chỉ còn 1 số ít chưa nắm được. Sở Công Thương đã yêu cầu các quận/huyện, đặc biệt là phường/xã/thị trấn làm việc với hệ thống phân phối để chuyển danh mục hàng hoá mỗi ngày cung cấp cho người dân để thuận tiện cho việc mua sắm.

“Ở đây, thành phố không quy định rập khuôn mà ở quận huyện sẽ chủ động việc này, chỉ khác là mình sẽ làm chặt chẽ hơn thôi”, ông Tú chia sẻ.

Hiện nay, Sở Công Thương đang phối hợp với quận/huyện đánh giá tình hình, qua báo cáo các quận/huyện đang tạm ổn. Quận/huyện nào khó khăn sẽ có lực lượng điều phối để cung ứng hàng hoá cho người dân.

Tính đến 21.8, toàn thành phố có 40/234 chợ truyền thống, 2.727/2.895 cửa hàng tiện ích, 97/106 siêu thị vẫn đang tiếp tục hoạt động. Với những siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống ngưng hoạt động, trên tinh thần hướng dẫn của HCDC, các đơn vị sẽ phối hợp nhanh chóng cô lập những người có liên quan tới ca F0, phun sạch khử khuẩn và sớm trở lại hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn