MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xung đột Nga-Ukraine có thể tạo cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản, thuốc men... sang Châu Âu. Ảnh minh họa: Vasep

Từ bất ổn Nga-Ukraine: Trong "mảng xám" vẫn có nhiều cơ hội cho kinh tế

Vũ Long LDO | 03/03/2022 14:21
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chiến sự Nga - Ukraine gây khủng hoảng chính trị, nhưng cũng tạo nhiều cơ hội kinh tế cần nắm bắt và tận dụng.

Nhiều lợi thế kinh tế Việt Nam có thể tận dụng

Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, bên cạnh những khó khăn hiện hữu do dịch bệnh COVID-19 và dự báo khủng hoảng chính trị ở Châu Âu do ảnh hưởng của chiến sự giữa Nga và Ukraine, vẫn có những “điểm sáng” tạo nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế cần tận dụng.

“Nếu Việt Nam khai thác hiệu quả, khi giá xăng dầu tăng do ảnh hưởng bởi chiến sự Nga-Ukraine, các doanh nghiệp có thể mở kho dự trữ xăng dầu để bán nhằm tăng doanh thu ở thời điểm giá xăng dầu tăng vọt. Đây là cơ hội hiếm có để tăng thu ngân sách. Bên cạnh đó, Nga bị bất ổn có thể thiếu hàng, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga” – ông Lạng gợi ý.

PG.TS Nguyễn Thường Lạng cũng cho rằng, tính bất ổn dẫn đến phân tán đầu tư từ Nga, Việt Nam có thể tranh thủ thu hút vốn và nhập khẩu máy móc thiết bị giá rẻ từ Nga. Đồng Rúp mất giá cũng là cơ hội để nhập khẩu hàng Nga giá rẻ. Đây cũng là thời điểm để các “cá mập” Việt Nam tìm cách mua doanh nghiệp Nga và các tài sản giảm giá do tác động cấm vận.

“Tuy nhiên, có thể khó khăn trong thanh toán cho nên cần chú ý khai thác hàng đổi hàng. Những bất ổn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine cũng có thể thu hút du khách Nga hoặc Ukraine sang Việt Nam lánh nạn, tăng thu cho ngành du lịch và dịch vụ” – PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nêu ý kiến.

TS Lại Lâm Anh (Viện Kinh tế và chính trị thế giới, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng nhận định: Khi Ukraine khủng hoảng, nhiều nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch, tìm đến nơi an toàn và Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến tốt. Điều quan trọng là các doanh nghiệp trong nước cần đón bắt được cơ hội này, tăng khả năng đón nhận hiệu quả hơn sự chuyển dịch vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn.

Cần nhiều giải pháp để ổn định và tăng trưởng kinh tế trong nước

Chủ tịch JCI Việt Nam Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh: Trong 2 tháng đầu  năm 2022, xuất nhập khẩu và đầu tư vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế do Việt Nam đã bảo toàn được chuỗi cung ứng tối đa trong dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều yếu tố bất định diễn ra trong thời gian ngắn, đặc biệt là sự bất ổn chính trị trên thế giới do ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine làm giá dầu tăng bất định gây lạm phát nhập khẩu. Do đó, việc nới lỏng tài khoá nếu không thực hiện thận trọng có thể gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

"Cần các giải pháp đồng bộ để giảm đà tăng của CPI khi chỉ số giá tiêu dùng trên thế giới đang có xu hướng tăng" - ông Vũ Tuấn Anh nêu ý kiến.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cũng lưu ý các trụ cột là ngành mũi nhọn (xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đầu tư, du lịch…) cần kết nối và lan tỏa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục có nhiều cải thiện về thể chế, mô hình doanh nghiệp, thúc đẩy hoàn thiện khâu yếu, tạo nền tảng thể chế “phiên bản mới”, thu hút được vốn đầu tư cho sự bứt tốc tăng trưởng giai đoạn tiếp theo.

"Năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ và GDP khả năng đạt 5,5-6,5%, kim ngạch xuất, nhập khẩu có thể đạt con số 750-780 tỉ USD, đầu tư nước ngoài (FDI) có thể đạt con số 20-23 tỉ USD”- PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn