MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã tháo gỡ vấn đề đeo "mào" (gắn hộp đèn "Taxi") đối với các doanh nghiệp kinh donah vận tải bằng taxi. Ảnh: PK.

Tư duy quản lí mới từ "chuyện cái mào”

Thẩm Hồng Thụy LDO | 29/01/2020 17:00

Một tư duy mới đã được thể hiện và áp dụng trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 86/2014/NĐ-CP qui định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1.4 tới: Không bắt buộc taxi truyền thống, taxi công nghệ đeo “mào”.

Chuyện taxi công nghệ có phải đeo “mào” (hộp đèn có chữ “Taxi”) hay không là vấn đề tranh cãi có lúc nảy lửa giữa hai phía: Các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống và các doanh nghiệp kinh doanh taxi công nghệ. Cho đến dự thảo lần thứ 12 cách đây vài tháng, vấn đề bàn cãi này cũng còn chưa ngã ngũ.

Tuy nhiên, khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 86/2014/NĐ-CP được ban hành vào thời điểm những ngày cuối năm Kỷ Hợi và chuẩn bị bước vào năm mới Canh Tý 2020, vấn đề taxi công nghệ có phải đeo “mào” hay không đã được “bẻ lái” ngoạn mục: Taxi công nghệ không phải đeo “mào” mà chỉ cần dán phù hiệu “xe taxi” kích cỡ 6 x 20cm ở phía trong kính xe phía trước và phía sau. Taxi truyền thống không bắt buộc phải đeo “mào” mà có thể lựa chọn dán phù hiệu.

Vấn đề được đưa ra so bì trước đây là tại sao taxi truyền thống phải đeo “mào” trong khi taxi công nghệ được miễn, như vậy là bất bình đẳng, thiên vị… đã được giải quyết một cách nhẹ nhõm.

Taxi truyền thống có quyền lựa chọn đeo “mào” hoặc dán phù hiệu. Ảnh: PK.

Một mối mâu thuẫn có lúc căng thẳng có tính đối kháng cao giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ xung quanh chuyện đeo “mào” đã được hóa giải một cách nhẹ nhõm nhờ vào sự thay đổi về tư duy của cơ quan quản lí.

Ngược lại, trong “chuyện cái mào”, nếu cứ mang tư duy cứng nhắc và nặng nề ở vấn đề phải đeo hay đeo như thế nào, vô hình chung càng đẩy thế đối đầu giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ đến mức cao trào.

Tư duy mới từ cơ quan quản lí chính là không nhất thiết bắt buộc taxi nói chung phải đeo “mào”. Từ qui định mới cũng truyền đi một thông điệp mới, giải tỏa các ràng buộc cứng nhắc, không cần thiết áp lên doanh nghiệp vận tải taxi: Quản lí ngành taxi không nhất thiết cứ phải từ việc có đeo “mào” hay không.

Trên thực tế, việc đeo “mào” của taxi giúp tạo sự nhận diện đối với khách hàng nhiều hơn. Không phải taxi cứ phải đeo “mào” thì các cơ quan quản lí mới có thể quản được.

Cơ quan quản lí có nhiều giải pháp và phương án, từ phía doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, các biện pháp hành chính cho đến các biện pháp nghiệp vụ và kĩ thuật công nghệ.

Sau khi “chuyện cái mào” được giải quyết, mâu thuẫn đã được hóa giải, nhìn lại mới thấy rằng, sự uyển chuyển, linh hoạt của cơ quan quản lí và từ phía các cơ quan tham mưu giúp giúp ích rất nhiều trong việc tháo dỡ các qui định mang tính cản trở, từ đó mới thực sự giúp kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh và bình đẳng.

Cơ quan quản lí nhà nước chuyên ngành không bị sứt mẻ đi chút thẩm quyền nào và doanh nghiệp cũng đỡ tốn kém hơi sức, tâm trí, thậm chí cả tiền bạc…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn