MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ nữ công nhân trở thành bà chủ với thương hiệu ca cao riêng ở Đắk Nông

Phan Tuấn LDO | 22/11/2022 18:22

Với xuất phát điểm là công nhân nhận chăm sóc 9 sào ca cao của của nông trường, đến nay, chị Đặng Thị Bích Nghi, ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, Đắk Nông, đã xây dựng thương hiệu ca cao nổi tiếng cho riêng mình. 

Từ nữ công nhân nông trường nay chị Đặng Thị Bích Nghi đã xây dựng cho mình được thương hiệu ca cao Nghi Hiệp nổi tiếng ở Đắk Nông. Ảnh: Ngô Duyên

Duyên phận với cây ca cao

Từ hoàn cảnh khó khăn, đến nay, chị Đặng Thị Bích Nghi thôn, ở Đắk Tân, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil đã vượt lên được nghịch cảnh, có điều kiện khá giả. 

Bà Nguyễn Thúy Luân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đắk Mil cho biết, khoảng 3 năm nay, chị Nghi là một trong những gương phụ nữ khởi nghiệp thành công nhất ở huyện. Ngoài việc giúp gia đình "đổi đời", hiện chị Nghi còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động đia phương. 

Trò chuyện với chúng tôi chị Đặng Thị Bích Nghi, người con của huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An nhớ lại, cách đây gần 20 năm, chị xin vào làm công nhân nông trường cà phê Đức Lập (nay là Công ty Cà phê Đức Lập). Thời điểm đó, chị Nghi nhận giao khoán, chăm sóc 9 sào ca cao.

Do diện tích nhận giao khoán ít nên đời sống của chị Nghi gặp nhiều khó khăn. Để vượt qua hoàn cảnh, nữ công nhân nông trường này sẵn sàng nhận làm thêm các vườn ca cao ở vị trí không thuận lợi, đất xấu với tổng diện tích khoảng 2,2ha.

Từ khi còn làm công nhân, chị Nghi luôn dành tình yêu, tâm huyết với công việc của mình. Ảnh: Ngô Duyên

"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", các vườn cây giao khoán của chị Nghi nhanh chóng tươi tốt và được đánh giá là khỏe mạnh, mang lại năng suất cao nhất nông trường. 

Tình yêu và cái tâm với nghề

Sau khi xây dựng được vườn cây cao cao có năng suất ổn định, chị Nghi từng bước chuyển sang thu mua, sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm từ quả ca cao. 

Hiện tại cơ sở sản xuất ca cao của chị Nghi đưa ra thị trường 5 dòng sản phẩm chế biến sâu như: Ca cao hạt, ca cao bột, socola các loại... Ngoài ra, cơ sở sản xuất ca cao của chị Nghi còn cung cấp hàng tươi và làm hạt khô đã lên men cho các công ty chuyên sản xuất socola trong và ngoài nước.

Hiện chị Nghi tạo công ăn việc làm cho 5-6 người ở địa phương với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Ảnh: Bảo Lâm

Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất của chị Nghĩa đã tiêu thụ trên 1.000 tấn quả ca cao tươi cho người dân trong vùng. Công việc thuận lợi, phát triển nên cơ sở chế biến ca cao của chị Nghi thường xuyên có từ 6-8 nhân công làm việc, với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Chị Nghi cho biết, với xuất phát điểm thấp, từ người công nhân nên trong quá trình lao động chị luôn trân quý những thành quả lao động không biết mệt mỏi trong giai đoạn khó khăn. Để có được sản phẩm tốt, người sản xuất phải dành cả tình yêu thương chăm sóc cho cây trồng phát triển.

Hàng ngày, chi Nghi luôn chỉn chu với cây ca cao từ khâu bón phân, tưới nước, cho đến đến thu hoạch và sơ chế biến sản phẩm.  "Đặt cái tâm vào nghề cũng là cách để cơ sở của tôi xây dựng niềm tin đối với khách hàng và không ngừng lớn mạnh trong những năm qua" - chị Nghi phấn khởi.

Sản phẩm ca cao của chị Nghi đã trở thành thương hiệu nổi tiếng ở Đắk Nông. Ảnh: Bảo Lâm

Hiện tại, hoạt động chế biến, sản xuất ca cao đang mang về cho lợi nhuận cao cho chị Nghi. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận chị Nghi thu được đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không bằng lòng với thành quả đang có, chị Nghi đang đặt mục tiêu hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm socola, bột ca cao. Các sản phẩm của chị Nghi hướng đến thị hiếu và nhu cầu thưởng thức của đa dạng khách hàng trên thị trường.

“Làm việc gì cũng phải có tình yêu, cái tâm, hướng đến những điều tốt nhất cho bản thân và cộng đồng thì nhất định thành công sẽ tới" - chị Nghi chia sẻ kinh nghiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn