MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Môn chạy bộ đã đi vào game kiếm tiền. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Từ "play to earn" đến các loại game “to earn", trào lưu hay chỉ “tô hồng"?

Thế Lâm LDO | 12/04/2022 09:14

Ngay trong lúc này, phong trào game “play to earn” (game chơi để kiếm tiền, game NFT) phát triển ào ạt nhiều tháng trước đã cho thấy dấu hiệu sa sút.

Trong trào lưu game NFT chơi để kiếm tiền và còn được xếp loại là GameFi (game tài chính vì có ứng dụng mã tiện ích hay còn gọi là tiền mã hóa), Việt Nam với game Axie Infinity đến lúc này vẫn dẫn đầu thế giới, từ đó kích thích phong trào làm GameFi tại Việt Nam.

Một con số thống kê sơ bộ cho rằng tại Việt Nam có khoảng 300 game NFT đã và đang được phát triển. Tuy nhiên, số đầu game “play to earn” đó bị  những người trong ngành cho rằng, làm thật ăn thật thì ít mà làm chơi để lừa bán đồng tiện ích (tiền ảo) thì nhiều.

Thậm chí, gần đây đã xảy ra một số trường hợp GameFi lừa đảo, mời gọi đầu tư xong thì lặn mất tăm. Chính vì chạy theo khía cạnh “play to earn” với giấc mơ trở thành game Việt tỉ đô như Axie Infinity, nhiều game NFT trở nên kém chất lượng vì đồ họa xấu, lối chơi cũ mòn, và gần như không có kịch bản game (gameplay).

Ngay cả game Axie Infinity vẫn đang đình đám, vài tháng trở lại đây có lượng người chơi tương tác giảm sút. Cụ thể, đỉnh điểm lượng người chơi game này được công bố là 3 triệu vào dạo tháng 11.2021, tới nay giảm chỉ còn hơn phân nửa một chút.

Axie Infinity được xem là “anh hào” của làng game NFT thế giới còn thế, huống hồ các game khác còn chưa “đủ lông đủ cánh” sẽ không dễ gì tồn tại. Đó là chưa nói có những dự án kém minh bạch, mở ra chỉ nhăm nhăm gọi vốn, phát hành tiền mã hóa

Trong khi trào lưu game NFT còn đang trong giai đoạn diễn biến khó xác định xu hướng thì một số loại hình game “to earn” khác xuất hiện, như “move to earn” với một trong những đại diện là ứng dụng là StepN. Khác Axie Infinity bắt game thủ khởi đầu chơi phải chi ra cả ngàn USD để mua ít nhất 3 thú cưng (axie), StepN buộc người chơi phải mua giày ảo để chạy kiếm tiền.

Hay những game “to earn” khác như Socialfi (kiếm tiền thông qua các hoạt động xã hội), CALO (tập thể dục đốt cháy calo để thu thập mã tiện ích (token), Genopets (nuôi dưỡng và tiến hóa các Genopet để huấn luyện, chiến đấu với nhau và nhận được phần thưởng)…

Nhìn chung mỗi lĩnh vực hay mỗi loại hình hoạt động trong đời sống hiện tại đang được cố gắng xây dựng thành những game “to earn”. Trong đó, game vận động/di chuyển được cho là có ưu thế hơn vì đây là hoạt động phổ biến, dễ thực hiện, có thể thu hút được nhiều người tham gia vì vừa rèn luyện sức khỏe vừa có thể “kiếm tiền”.

Tuy nhiên, để loại game “move to earn” trở thành trào lưu hay dẫn dắt được như trường hợp Axie Infinity hiện tại, vẫn chưa có gì chắc chắn. Những cái mới có thể cứ lần lượt được hình thành, ra mắt và mời gọi người chơi nhưng có thu hút được đông đảo công chúng và tạo thành trào lưu hay không vẫn là một ẩn số.

Bởi chỉ khi nào game đó được nhiều người chơi, mã tiện ích của game được chấp nhận rộng rãi, thì game mới tạo ra được giá trị và nền kinh tế của mình. Còn ngược lại, nếu bị chìm nghỉm, tiền người chơi bỏ ra mua các loại vật phẩm, công cụ… lên tới hàng ngàn USD cũng có thể trở thành một thứ giá trị ảo mà thôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn