MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ thẻo đất rộng 0,28m dài 18m bán giá 20 tỷ ở Hà Nội: Chuyện không hy hữu trên những con đường “siêu đắt đỏ”?

Phạm Dung LDO | 01/10/2018 16:40

Báo cáo của TP.Hà Nội, cho đến thời điểm năm 2015, TP có 174 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện diện tích để xây dựng hoặc đã xây thành những công trình có hình thù kỳ quái, làm xấu cảnh quan đô thị nhưng chưa xử lý được; thì trên một số tuyến đường mới mở lại phát sinh thêm 442 nhà siêu mỏng, siêu méo.

Những mảnh đất "siêu đắt" ở thủ đô

Mới đây, cư dân mạng chia sẻ rầm rộ bức ảnh miếng đất vỏn vẹn gần 5,3m2 nhưng có giá tới 20 tỷ đồng. Miếng đất này lại có hình thù khá đặc biệt với chiều dài tới 18,7m nhưng chiều rộng chỉ vỏn vẹn 0,28m. Miếng đất này nằm ở khu vực đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài vừa được giải tỏa. 

Thực chất câu chuyện về những mảnh đất kỳ quái, thậm chí là bức tường mỏng dính được rao bán với giá tiền tỉ không phải là lạ. 

Ngay tại chính đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, năm 2015, một dải đất có diện tích vỏn vẹn 1,7m2, chiều rộng chỉ 14cm nhưng cũng được rao bán với giá trên 1 tỷ đồng.

Năm 2016, cũng từng xuất hiện bức tường chưa đầy 2m2 có giá tiền tỷ tại phố Xã Đàn.

Nhiều tuyến đường tại Hà Nội cũng đang tồn tại nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo như Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Đống Đa), đường vành đai 2 Võ Chí Công (Tây Hồ)…

Theo báo cáo của HĐND TP. Hà Nội, cho đến thời điểm năm 2015, trên địa bàn Thành phố, trong khi vẫn còn 174 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện diện tích để xây dựng hoặc đã xây thành những công trình có hình thù kỳ quái, làm xấu cảnh quan đô thị, nhưng chưa xử lý được, thì trên một số tuyến đường mới mở lại phát sinh thêm 442 nhà siêu mỏng, siêu méo.

Vấn đề nằm ở "quy hoạch"

Để giải quyết tình trạng này, UBND TP Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp vận động các hộ dân ở liền kề với hộ có diện tích không đủ điều kiện xây dựng hợp thửa, hợp khối vẫn được coi là phương án tối ưu trong việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. 

Tuy nhiên, phương án này không phải lúc nào cũng được sự đồng thuận từ hai phía người mua và người bán. Bởi người bán thường cho rằng, nếu ra mặt tiền, giá trị bất động sản của căn nhà phía trong sẽ tăng gấp bội, cho nên thường đưa ra mức giá trên trời. Trong khi hộ phía trong thì cho rằng, nếu không bán được cho mình, họ sẽ chẳng bán được cho ai khác, cho nên chỉ muốn mua phần đất cắt xén với giá rẻ.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 1758 về xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng cũ trước năm 2005. Theo đó, đất đủ điều kiện xây dựng không được nhỏ hơn 15m2.

Theo KTS Nguyễn Thế Khải - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quy hoạch và Kiến trúc Việt Nam cho rằng, mấu chốt vẫn nằm ở "quy hoạch". Khi chuẩn bị làm một con đường mới, chúng ta chỉ chú trọng giải phóng con đường, mà quên mất 2 bên đường. Có 2 nguyên nhân của tình trạng này: Thứ nhất là do thiếu kinh phí, thứ hai là người thiết kế không hề chú trọng đến điều này.

Theo ông Khải, chúng ta phải có thiết kế đô thị chỉnh trang của mặt đứng ở khu vực ấy. Khi đã có quy hoạch để làm theo thì sẽ không còn tình trạng những mảnh đất thừa thẹo dẫn đến tình trạng các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo. 

"Theo đúng quy chuẩn thiết kế, khi thiết kế một con đường thì phải thiết kế cả hai bên đường và quản lý đô thị trên dãy nhà đó", KTS Khải nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn