MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mặc dù chỉ số giá nhiều nhóm hàng tiêu dùng tăng, nhưng Việt Nam có thể kìm lạm phát dưới 4% theo mục tiêu đề ra. Ảnh: Vũ Long

Tự tin kìm giữ lạm phát năm 2022 ở mức dưới 3,5%

Vũ Long LDO | 05/07/2022 12:12

Lạm phát năm 2022 có thể được kìm giữ ở mức dưới 3,5% dù nhiều áp lực.

Nhiều quyết sách đưa nền kinh tế nỗ lực vượt qua áp lực lạm phát

Sáng 5.7.2022, phát biểu tại hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo năm 2022, ông Nguyễn Xuân Định – Phó trưởng phòng Chính sách - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), nhấn mạnh: Mặt bằng giá trong nước 6 tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng do áp lực từ biến động tăng cao của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là mặt hàng năng lượng và vật tư chiến lược. CPI tháng 6.2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12.2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, LPG tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Các chuyên gia đánh giá về thị trường, giá cả hàng hóa ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: V.Long

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều mặt hàng cũng giảm giá đã kìm giữ lạm phát ở mức không đáng lo ngại.

“Về cơ bản, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào đã góp phần quan trọng trong kiểm soát mặt bằng giá thời gian qua. Đặc biệt, Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân” – ông Định nêu ý kiến.

Đánh giá về chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng trung bình 2,44% so với cùng kỳ năm 2021. Với mức lạm phát hiện nay, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn.

Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long, 6 tháng đầu năm kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát.

Nhiều thách thức nhưng vẫn tự tin khả năng kìm giữ lạm phát dưới 4%

Ông Nguyễn Xuân Định nhận định, trong nửa cuối năm 2022, nhiều yếu tố tác động có thể gia tăng áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát như: Căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực cũng như tình hình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhất là trong lĩnh vực thương mại dự báo vẫn diễn biến phức tạp và có các tác động tới kinh tế trong nước và nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của Chính phủ; Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta; giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch…

Tuy nhiên, bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong đó với các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào. Giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ ổn định; Giá nhiều mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý nhìn chung vẫn được giữ ổn định hoặc kiềm chế mức tăng giá sẽ góp phần "hạ van" lạm phát.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, để lạm phát trung bình cả năm nay vượt mức 4%, lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022 CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng.

"Xác suất xảy ra kịch bản này không cao, bởi bất chấp giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng”-TS Nguyễn Đức Độ khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn