MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiểu thương đang bị thu tiền bảo kê - Ảnh: cắt từ clip VTV.

Từ vụ bảo kê chợ Long Biên: Phí chợ được thu như thế nào?

Phạm Dung LDO | 03/10/2018 17:03

Theo đúng quy định, phí đỗ xe nhiều nhất đối với tiểu thương chỉ dừng ở mức 3 triệu đồng/tháng, thế nhưng tiểu thương ở chợ Long Biên phải đóng hơn 8 triệu đồng/tháng.  

Mới đây, Đài truyền hình Việt Nam phát phóng sự về tình trạng bảo kê tại chợ Long Biên. Theo đó, để có một chỗ đỗ xe vận chuyển hàng hoá, tiểu thương phải nộp khoảng 250.000 đồng/lượt/xe. Có người cho biết đã đóng theo năm với số tiền chừng 100 triệu đồng. Vậy thực chất khoản phí này là bao nhiêu theo quy định của pháp luật?

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn luật sư TP Hà Nội, quyết định về việc thu phí chợ sẽ do UBND tỉnh, Thành phố quyết định. Việc này phải căn cứ vào các Pháp lệnh, Nghị định và Thông tư về Phí, Lệ phí của Chính phủ và các bộ ngành.

UBND Hà Nội có quyết định 48/2014/QĐ-UBND về việc thu phí chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân sử dụng diện tích để bán hàng, làm dịch vụ (gọi chung là kinh doanh) hoặc chở hàng hóa ra, vào chợ để kinh doanh bằng ô tô.

Mức thu phí quy định cụ thể của từng chợ không được cao hơn mức thu tối đa tại biểu quy định. Cụ thể như sau:

 Mức thu phí được quy định

Theo quy định, có 3 loại phí mà Ban quản lý chợ được thu bao gồm: phí sử dụng diện tích chỗ ngồi kinh doanh (theo tháng), phí sử dụng diện tích đối với xe ô tô vào chợ để kinh doanh (theo ngày) và phí sử dụng diện tích kinh doanh tại chợ theo ngày.

Theo đó, phí đỗ xe ôtô sẽ được thu theo ngày, thấp nhất là là 5.000 đồng/ ngày đối với xe có trọng tải dưới 0,5 tấn và cao nhất là 100.000 đồng/ngày đối với xe có trọng tải trên 10 tấn.

Như vậy, mức phí mà tiểu thương ở chợ Long Biên phải đóng cho “bảo kê” gấp nhiều lần so với quy định của pháp luật.

Luật sư Truyền cũng cho biết thêm, đối với các chợ thành lập Ban quản lý chợ thì các khoản phí sẽ do Ban quản lý chợ thu. Sở Tài chính là đơn vị thẩm định tỷ lệ để lại cho đơn vị thu khi thẩm định mức thu tại từng chợ và trình UBND Thành phố quy định tạm thời; UBND Thành phố báo cáo HĐND Thành phố tại phiên họp gần nhất.

Đơn vị thu phí có trách nhiệm quản lý, kê khai, quyết toán, nộp ngân sách và sử dụng số tiền phí được để lại theo quy định. 

Cũng theo Luật sư Truyền, trưởng ban, phó trưởng ban quản lý chợ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng và kỷ luật. Nên để xảy ra sự việc bảo kê ở chợ đầu mối, ngoài xử lý ban quản lý chợ thì UBND cấp có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn