MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm thu phí và nhà điều hành dự án BOT quốc lộ 19. Ảnh: Minh Quyết

Từ vụ BOT đèo Hải Vân nguy cơ dừng hoạt động: Doanh nghiệp kêu lỗ nhưng có lỗ thật không?

Phạm Dung LDO | 01/11/2018 15:05

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nhà nước nên có một đoàn kiểm tra để đánh giá thực thu của dự án BOT. Nếu doanh nghiệp BOT thực sự gặp khó thì nên có sự hỗ trợ thích đáng. 

Doanh nghiệp BOT kêu khó

Theo ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc CT TNHH BOT 36.71, câu chuyện của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là câu chuyện của nhiều dự án BOT, khi doanh nghiệp đang bị vướng chính sách.

Nói cụ thể về dự án BOT Quốc lộ 19, ông Dũng cho biết, so với phương án tài chính ban đầu thì hiện tại doanh nghiệp đang phải bù lỗ.

Mới qua 2 năm 3 tháng nhưng doanh nghiệp đã phải bù lỗ hơn 10 tỷ. Có 3 nguyên nhân chính: thứ nhất là do lưu lượng xe tại đây ít, thứ hai là thông tư 35 của chính phủ, mức phí này thấp hơn rất nhiều so với mức giá trong phương án tài chính đã được Bộ GTVT phê duyệt và thứ 3 là thời gian qua, giá vé liên tục giảm, miễn phí cho người dân khu vực.

Ngoài ra, cũng theo ông Dũng, hiện tại, quốc lộ 19 với chiều dài 220km nhưng mới chỉ đầu tư được 56km, còn lại hơn 160km chưa được đưa vào sử dụng. Vị trí đặt trạm được Bộ GTVT và chính quyền địa phương yêu cầu không hợp lý, khiến chủ đầu tư thất thu nhiều.

Ngoài bù lỗ về doanh thu thì doanh nghiệp còn đang bù lỗ với ngân hàng. Việc thu phí càng kéo dài thì doanh nghiệp càng phải bù lỗ lớn.

Lấy ví dụ với quốc lộ 19, ông Dũng cho biết, theo phương án ban đầu ký với Bộ GTVT, doanh nghiệp sẽ được vay vốn và trả ngân hàng trong 20 năm 6 tháng 19 ngày. Nhưng khi đi vay của ngân hàng thì chỉ vay được 13 năm, bởi quy chế của ngân hàng chỉ trong vòng 13 năm. Điều này gây khó khăn nhiều cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi cũng đã đề nghị Bộ GTVT làm việc với Ngân hàng công thương để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để có sự điều chỉnh phù hợp với nguồn vay BOT”, ông Dũng nói.

Kiểm tra xem lỗ thật không

Trước những khó khăn của doanh nghiệp BOT, ông Dũng cho rằng, nếu Chính phủ không vào cuộc và có sự ủng hộ cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư BOT.

“Kể cả đối với dự án BOT cao tốc là nơi ít xảy ra xung đột nhất, dễ thu tiền nhất cũng khó có doanh nghiệp nào đầu tư”, ông Dũng khẳng định.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, thời gian vừa qua, nhiều lùm xùm liên quan đến các dự án BOT khiến dư luận bức xúc. Nguyên nhân xuất phát từ địa điểm thu phí đặt sai, mức thu quá lớn và tính chất thu không hợp lý.  

Tuy nhiên, cũng có nhiều dự án BOT đang gặp khó, nên nhà nước cũng nên có cơ chế mềm đối với doanh nghiệp BOT, ít nhất cũng phải đảm bảo thu đủ chi cho họ.  

Chuyên gia này cũng cho rằng nhà nước nên có một đoàn kiểm tra để đánh giá thực thu của dự án BOT, bởi hiện tại doanh nghiệp “kêu khó” nhưng cần phải xem có thực đang khó hay không.

“Nếu thấy nguồn thu quá ít, không đảm bảo chi phí thì phải nâng mức phí lên bởi nguyên tắc của BOT là phải đảm bảo thu bù chi, không thể bắt doanh nghiệp bù lỗ ngay. Nhưng phải nâng lên một cách phù hợp, đảm bảo cân bằng 3 lợi ích, trong đó quan trọng nhất là lợi ích của người tiêu dùng”, ông Phong nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn