MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ vụ Nike chuyển đơn hàng khỏi Việt Nam: Hiến kế để giữ đơn hàng

Cường Ngô LDO | 06/10/2021 12:41

Theo lãnh đạo các hiệp hội, để doanh nghiệp Việt làm kịp các đơn hàng cho đối tác - cần nghiên cứu tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm lên 300 giờ không phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất.

Dịch COVID-19 bộc lộ sự mỏng manh của chuỗi cung ứng

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định không có chuyện Nike chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam. Song, từ câu chuyện này có thể thấy trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư vừa qua đã khiến chuỗi cung ứng rơi vào tình trạng đứt gãy, buộc nhiều doanh nghiệp phải dịch chuyển các đơn hàng.

Vì vậy, trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế trở lại, việc tìm các biện pháp để giữ đơn hàng, khôi phục sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Không có chuyện Nike chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam. Ảnh: VP

Ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, khi dịch bùng phát vào đầu năm 2020, điều doanh nghiệp Việt lo ngại là ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản qua biên giới Trung Quốc. Bởi Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn nhất của chúng ta.

Nhưng, đến giai đoạn tiếp theo, khi Trung Quốc dần khống chế được dịch, khôi phục nguồn cung, thì doanh nghiệp Việt lại phải đối mặt với sự suy giảm về nhu cầu khi dịch lan sang Tây Âu, Bắc Mỹ.

Chính sự suy giảm này dẫn đến một số nhãn hàng, doanh nghiệp lớn có những động thái giãn, hoãn hoặc ngừng nhận đơn hàng từ các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung chuyển sang lo ngại không bán được hàng.

"Dịch COVID-19 và sự "khủng hoảng" giá cước container trong thời gian vừa qua đã thấy sự mỏng manh của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để "cứu" chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh vĩ mô và vi mô, tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường" - ông Hải nói.

Hiến kế "cứu" đơn hàng

Trao đổi với Lao Động, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam - cho biết, để "cứu" các đơn hàng, cơ quan chuyên môn cần có kế hoạch mở cửa sản xuất trở lại càng sớm càng tốt, trong đó kế hoạch mở cửa phải rõ ràng và có thời gian cụ thể. 

"Hiện nay, độ phủ vaccine khá cao, nhiều doanh nghiệp đạt 80-100%, cho nên để việc tiêm vaccine có ý nghĩa thì cần sớm có kế hoạch mở cửa một cách toàn diện, đơn giản hoá các thủ tục mở cửa, tránh tình trạng mỗi địa phương một kiểu", bà Xuân cho hay.

Cũng theo bà Xuân, để các doanh nghiệp Việt làm kịp các đơn hàng cho đối tác, nhà chức trách cần nghiên cứu bỏ quy định số giờ làm thêm trong 1 tháng, để tạo điều kiện linh hoạt cho sản xuất, nhằm đáp ứng đơn hàng. Đồng thời, nới khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm không phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất, để đảm bảo bù đắp cho việc thiếu hụt lao động trầm trọng do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Ngoài ra, theo bà Xuân, khi doanh nghiệp có kế hoạch làm thêm giờ thì dựa trên thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

"Điều này giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc bố trí, sắp xếp kế hoạch làm thêm tùy thuộc theo tình hình thực tế của doanh nghiệp về nguyên liệu và lực lượng lao động. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thời gian làm thêm theo đúng quy định và chịu trách nhiệm hậu kiểm", bà Xuân nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn