MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Tuần này, Quốc hội bàn về cách xử lý nợ thuế tồn đọng của người đã qua đời

Hùng - Trung -Nguyên LDO | 12/11/2018 09:18
Khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể... là những nội dung mới của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận trong tuần này. 

Theo lý giải của Chính phủ, việc bổ sung quy định về khoanh nợ thuế là cần thiết nhằm phản ánh số nợ thực tế.

Cụ thể, phần quy định về các biện pháp xử lý nợ đọng thuế có thêm nội dung: Khoanh nợ, Xóa nợ, miễn tiền thuế, tiền chậm nộp. 

Theo đó, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế.

Theo báo cáo giải trình của Chính phủ, quy định này là phù hợp với thực tế, khi mà nợ trên phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn trong khi nợ này là nợ ảo, không có khả năng thu hồi.

Dự thảo Luật cũng đồng thời quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ.

Cụ thể, Luật quản lý thuế hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ xoá nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên; tuy nhiên để cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 05 tỷ đồng trở lên; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 01 tỷ đến dưới 05 tỷ đồng. Bổ sung quy định phân cấp cho Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 01 tỷ đồng.

Trước đó, tại phiên chất vấn ngày 31.10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin tình trạng nợ đọng thuế hiện nay còn lớn.

Đến cuối tháng 9.2018, tổng số tiền nợ đã là 82.961 tỷ đồng. Trong đó không có khả năng thu là 42,1%, tăng 11% so với thời điểm 31.12.2017. Tiền phạt vi phạm hành chính tăng 6%.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nợ thuế và tiền phạt chậm chiếm khoảng 20%. Nguyên nhân do người nộp thuế chết, mất khả năng nộp, tiền phạt, công ty giải thể, chuyển địa điểm khác. 

Đã có nhiều tranh luận của các ĐBQH cũng như nhân dân về việc khoanh nợ, xoá nợ với những đối tượng trên. 

Tranh luận trước phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Quốc hội ngày 26.5, Đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Chết không có nghĩa là hết nghĩa vụ đóng thuế”. 

"Tôi lấy ví dụ điển hình, một ông chủ hộ sản xuất kinh doanh nợ 200 triệu tiền thuế và bất ngờ đột tử thì tiền thuế coi như món nợ của ông này và hộ sản xuất kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn với vấn đề đó. Nghĩa là phải sử dụng tài sản của bản thân và gia đình trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước”, ông Nhưỡng nói.

Theo Luật Thừa kế, những người là thành viên trong gia đình nếu thừa kế tài sản, thừa kế các quyền thì đồng thời phải thừa kế các nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ nộp thuế.

Nhiều ý kiến cử tri tỏ ra băn khoăn, liệu quy định này có dẫn đến tình trạng DN cố tình tạo ra các điều kiện để được khoanh, xoá nợ thuế và có hạn chế được cơ chế xin - cho khi trao quyền xoá nợ thuế cho nhiều cấp. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn