MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quyết định của OPEC+ trong tuần tới sẽ ảnh hưởng đến giá dầu. Ảnh minh họa: Tập đoàn Dầu khí

Tuần tăng thứ 2 liên tiếp của giá dầu

Nguyễn Thúy LDO | 02/04/2023 08:33
Giá dầu đi lên trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp khi nguồn cung khan hiếm ở một số nơi trên thế giới và dữ liệu lạm phát Mỹ cho thấy tốc độ tăng giá cả đang chậm lại.

Ngay phiên giao dịch đầu tuần ngày 27.3 (giờ Việt Nam), giá dầu đã tăng mạnh khi sự gián đoạn của hoạt động xuất khẩu tại Iraq làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung dầu thô. Cụ thể, Iraq quyết định ngừng xuất khẩu 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ khu vực bán tự trị người Kurd và các mỏ ở Bắc Kirkuk.

Bên cạnh đó, ngân hàng First Citizens (FCB) mua lại các khoản tiền gửi và khoản vay của ngân hàng Silicon Valley (SVB) đã giúp giảm bớt mối lo ngại bất ổn tài chính có thể gây tổn hại cho nền kinh tế và suy yếu nhu cầu nhiên liệu.

Trong phiên ngày 28.3 và 29.3 (giờ Việt Nam), giá dầu tiếp tục tăng khi các nhà đầu tư cân nhắc những nỗ lực của chính quyền nhằm xoa dịu những lo ngại về hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Giá dầu trải nghiệm tuần tăng thứ hai với dầu Brent tăng vọt hơn 7%, dầu WTI tăng hơn 9%. Ảnh minh họa: Tập đoàn Dầu khí

Sang phiên thứ tư ngày 30.3 (giờ Việt Nam), giá dầu quay đầu giảm khi thị trường cố gắng tìm kiếm sự cân bằng với hoạt động chốt lời.

Tuy nhiên, giá dầu đã nhanh chóng lấy lại được đà tăng trong hai phiên cuối cùng của tuần - ngày 31.3 và 1.4 (giờ Việt Nam), bởi các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và dữ liệu lạm phát của Mỹ.

Trang Investing đưa tin, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ chỉ tăng 0,3% trong tháng 2, thấp hơn mức 0,4% dự kiến, trong khi con số hàng năm là 4,6%, thấp hơn mức dự đoán 4,7%.

Mặc dù chỉ số này cho thấy, lạm phát ở Mỹ giảm nhẹ, nhưng cũng tiếp thêm động lực để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất của mình trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 5.

Cùng với mức lạm phát giảm ở Mỹ, dấu hiệu tích cực từ nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc cũng đã hỗ trợ giá dầu tăng.

Dự báo hàng năm của một đơn vị nghiên cứu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 6,2% trong năm nay so với năm ngoái lên 540 triệu tấn.

Trong tuần, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tới 7,5 triệu thùng xuống mức thấp nhất trong hai năm; dự trữ xăng giảm 2,9 triệu thùng.

Mặc dù giá dầu tuần này tăng vọt, nhưng cả dầu Brent và WTI đều ghi nhận mức giảm hằng tháng lần lượt là 5% và 2%. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11.2022.

Sự chú ý trong tuần tới sẽ là cuộc họp của OPEC+ có thể sẽ giữ nguyên thoả thuận về sản lượng dầu hiện tại là 2 triệu thùng/ngày.

Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, OPEC đã bổ sung 28,90 triệu thùng/ngày trong tháng này, giảm 70.000 thùng/ngày so với tháng 2 và giảm tới hơn 700.000 thùng/ngày so với tháng 9.2022.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 2.4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.022 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.038 đồng/lít; dầu diesel không quá 19.302 đồng/lít; dầu hỏa không quá 19.462 đồng/lít; dầu mazut không quá 14.479 đồng/kg.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn