MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tuần trồi sụt của chứng khoán, vàng giảm nhẹ nhà đầu tư vẫn lỗ chênh lệch

Thế Lâm LDO | 21/03/2020 17:29
Các thị trường hàng hóa từ chứng khoán, vàng cho đến dầu thô, đôla trong tuần qua có những diễn biến mỗi loại một kiểu. Trong khi mạch giảm của chứng khoán và vàng không có gì gây bất ngờ, giá USD tuần qua lại tăng khá mạnh.

Chứng khoán tiếp một tuần giảm chạm đáy mới

Chứng khoán Mỹ tuần qua cả ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều có phiên tăng phiên giảm nhưng chốt tuần thì phần giảm mạnh hơn. Thậm chí giảm sâu, Dow Jones giảm tới 17% trong khi S&P 500 giảm hơn 13%, Nasdaq giảm 12,6%. Qua tuần trồi – sụt vừa qua, các công ty chứng khoán dự báo trong một, hai tuần tới vẫn tiếp tục sụt – trồi theo tình hình bệnh dịch COVID-19.

Chứng khoán Việt Nam tuần qua cũng có những phiên trồi sụt, phiên tăng điểm ít và biên độ tăng hẹp trong khi phiên giảm thì sâu. Phiên cuối tuần ngày 20.3 gây bất ngờ khi điểm Vn-Index càng về cuối phiên càng giảm mạnh, ngược với xu thế của những phiên trước. Cùng với đó, khối lượng giao dịch mỗi phiên trong tuần qua thấp hơn bình quân 10 phiên và 20 phiên gần đây, cho thấy nhà đầu tư chờn tay rõ ràng.

Vn-Index đã chạm đến vùng đáy mới trong khoảng từ 700-720 điểm.

6,83% là mức giảm tuần qua khiến cho Vn-Index thủng ngưỡng trên của vùng hỗ trợ và sắp chạm đến ngưỡng dưới là 700 điểm.

Giá vàng giảm nhẹ, dân chơi vàng chủ yếu lỗ chênh lệch

Cuối tuần trước ngày 14.3 giá vàng thế giới trên ngưỡng 1.500USD/ounce. Đến trưa ngày 21.3, giá vàng thế giới đã rơi xuống dưới ngưỡng 1.500USD. Tính chung giá vàng tuần qua trên thế giới giảm khoảng 30USD, tương đương khoảng 705.000 đồng. Tuy nhiên vàng trong nước suốt tuần biên độ giảm chỉ khoảng từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng.

Vấn đề là giá vàng trong nước lại chênh lệch với giá vàng thế giới tới thời điểm ngày 21.3 là khoảng từ 4-4,6 triệu đồng. Tuy nhiên, dân chơi vàng tại Việt Nam tuần trước nếu mua vào còn phải chịu mức chênh lệch bán ra - mua vào của các công ty kinh doanh vàng tới 1,1 triệu đồng. Tuần này mức chênh lệch bán ra – mua vào của các công ty thu hẹp chỉ còn khoảng 800.000 đồng. Tính cả khoản giá vàng trong nước giảm và khoản chênh lệch bán ra - mua vào tính đến ngày 21.3, dân chơi vàng trong nước có thể lỗ khoảng 1,1 triệu đồng/lượng.

(nguồn: SJC, Kitco). 

Tuy nhiên, trong xu thế đáy 1.500USD/ounce của giá vàng đã bị thủng, khả năng rủi ro mua vàng bắt đáy một khi giá tiếp tục giảm trong tuần tới. Với dân chơi vàng trong nước, rủi ro còn ở khoản chênh lệch bán ra – mua vào từ các công ty kinh doanh thường ở mức cao.

Giá USD vẫn tăng nóng

Tuần qua chứng kiến sự tăng giá đột ngột của đồng tiền mạnh USD. Cho đến ngày 21.3, chỉ số USD-Index của đồng đôla Mỹ tăng trở lại 0,6 điểm lên 102,4 điểm, và có lúc đã tăng lên mức 103 điểm.

Trong khi đó, giá USD trong nước tuần qua do các ngân hàng thương mại công bố tăng khoảng 1,2%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây trong phạm vi một tuần.

Mức giá mua vào và bán ra niêm yết tại VCB trong ngày là 23.340 đồng (tiền mặt) – 23.530 đồng. Trong khi đó như ACB, niêm yết mức giá mua vào cao hơn là 23.370 đồng.    

Giá USD tăng cao được cho là do tình hình dịch bệnh và nhà đầu tư có xu hướng quay lại nắm giữ đồng tiền mạnh này. Tuy nhiên, một nguyên nhân nữa là do tác động của các thị trường hàng hóa khác từ chứng khoán, vàng đến dầu đều giảm cho nên việc tìm đến nắm giữ đồng đôla Mỹ đã kích giá tăng mạnh.   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn