MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đầu năm mới, các cửa hàng, doanh nghiệp thường chọn ngày đẹp để mở hàng khai xuân. Ảnh: K.L

Tục chọn ngày mở hàng, khai xuân đầu năm mới của người Việt

Trang Hà LDO | 03/02/2022 16:48
Trong những ngày đầu xuân năm mới, người Việt thường có tục lệ khai xuân để mong mọi công việc trong năm sẽ thuận buồn xuôi gió. Khai xuân đầu năm có thể bao gồm các công việc như khai trương, mở hàng, khai bút, đi lễ chùa, hoặc bắt tay vào làm việc lớn.

Theo quan niệm xưa, nếu có một ngày khai xuân, mở hàng đầu năm may mắn thì cả năm sẽ làm ăn thuận lợi, an khang thịnh vượng. Người dân, đặc biệt là người kinh doanh, các doanh nghiệp cũng thường chọn ngày đẹp để mở hàng khai xuân. 

Những ngày được lựa chọn cho mỗi người đều đã được tính sẵn trong bộ lịch Vạn niên do NXB Văn hóa Thông tin lập sẵn, chúng ta chỉ việc lấy ra sử dụng một cách dễ dàng.

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, thông thường, việc mở hàng đầu năm sẽ diễn ra ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh có thể căn cứ vào tuổi của người lãnh đạo, người đứng đầu doanh nghiệp để chọn lựa được ngày mở hàng đầu năm 2022 phù hợp nhất nhằm mang lại nhiều điều may mắn, tốt đẹp.

Theo chuyên gia này, năm Nhâm Dần 2022 trong ngày lập xuân: 4.2.2022 dương lịch (thứ 6), âm chuyển giao từ 03h50 phút sẽ bước vào tiết Lập Xuân mở đầu vận khí năm mới. Bắt đầu tiết lập xuân, ngày 4.2 rất thuận lợi cho việc cúng tế, ký kết, giao dịch, nạp tài, mở kho, xuất hàng.

Giờ lành để thực hiện trong ngày này là giờ Dần (3h-5h), giờ Thìn ( 7h-9h), giờ Tỵ (9h-11h), giờ Mùi (13h-15h), giờ Tuất (19h-21h), giờ Hợi (21h-23h).

Ngoài ra, ngày mồng 8 tháng Giêng (ngày 8.2.2022) tức ngày Nhâm Thìn, thuộc ngày Kim Quỹ Hoàng Đạo cũng thích hợp cho việc xuất hành, mở tiệm.

Giờ lành để thực hiện trong ngày này là giờ Dần (3h-5h), giờ Thìn (7h-9h), giờ Tỵ (9h-11h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h), giờ Hợi (21h-23h).

Thông thường, khi thực hiện lễ mở hàng đầu năm, người dân thường chuẩn bị mâm lễ, bao gồm cả lễ ngọt và lễ mặn để thể hiện tấm lòng thành của tín chủ đến các vị Thổ công, Thổ địa. Tùy vào mỗi người mà có những mâm cỗ cúng khác nhau. Thông thường, lễ vật trong lễ khai trương cửa hàng gồm hương, hoa quả phẩm oản, vàng mã, trầu cau, bánh kẹo… và mâm lễ mặn xôi, gà, cơm, canh…

Mâm lễ được bày biện đẹp, đầy đặn trên bàn, sau khi dâng chén nước thắp nén hương, chủ cửa hàng thành tâm cầu khấn.

Cũng theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, nhiều người còn chọn tuổi hợp để mở hàng. Chẳng hạn, các chủ cửa hàng, doanh nghiệp chọn tuổi mở hàng hoặc khai trương có cùng bản mệnh với mình hoặc nằm trong nhóm tam hợp, lục hợp như: Nhóm tam hợp tuổi Thân, Tý, Thìn; Nhóm tam hợp tuổi Tỵ, Dậu, Sửu; Nhóm tam hợp tuổi Dần, Ngọ,Tuất; Nhóm tam hợp tuổi Hợi, Mão, Mùi. Nhóm lục hợp là: Tý và Sửu, Dần và Hợi, Mão và Tuất, Thìn và Dậu, Tỵ và Thân, Ngọ và Mùi.

Có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa dân tộc, TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian ứng dụng – thì cho rằng, những quan niệm về điều kiêng kỵ, chọn ngày tốt để khai xuân, mở hàng là câu chuyện dân gian, tùy mỗi người gia đình, chứ không có ràng buộc nào phải thực hiện những điều đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn