MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất do dịch COVID-19. (ảnh minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn

Tung gói hỗ trợ 280.000 tỉ cứu doanh nghiệp: Phải hiểu đúng, tránh rủi ro

Cao Nguyên LDO | 11/03/2020 17:29

Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19; trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng gồm gói tín dụng 250.000 tỉ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Đối với hai gói hỗ trợ này, Tiến sĩ Lê Duy Bình (Giám đốc điều hành Economica Vietnam) cho rằng, điểm mấu chốt sẽ phụ thuộc vào chính tính toán và quyết định của các ngân hàng thương mại. Cả hai gói hỗ trợ này đều không phải tiền mới được bơm vào nền kinh tế.

Cứu doanh nghiệp thời dịch

Theo Chỉ thị số 11, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện bảy nhiệm vụ, giải pháp lớn. Đối với nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.

Kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỉ đồng).

Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.2020; khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30.000 tỉ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ với Lao Động, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần hiểu đúng để có thể làm đúng đối với 2 gói hỗ trợ: Gói tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng và gói hỗ trợ tài khóa khoảng 30.000 tỉ đồng.

Đối với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng, đây là tổng các gói mà khoảng 10 tổ chức tín dụng (TCTD) đã cam kết để cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, ưu đãi hơn (từ 0,5-1,5%/năm) so với tín dụng thông thường. Tổng số các gói tín dụng này có thể sẽ nhiều hơn khi nhiều ngân hàng tham gia hơn.

Theo ông Lực, gói tín dụng này có 4 đặc điểm chính, mục đích là để cho vay mới hỗ trợ các doanh nghiệp hay hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 (hỗ trợ thanh khoản, nhu cầu vốn lưu động…); nguồn vốn chính của các gói này là tiền gửi của người dân và doanh nghiệp (không phải nguồn vốn từ NSNN); tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Đối với gói hỗ trợ tài khoá khoảng 30.000 tỉ đồng theo TS Cấn Văn Lực, đây là tổng số tiền được hiểu là dự tính đối với các khoản miễn, giảm, chi tiêu do dịch COVID-19. Giải pháp gói tài khoá cũng rất quan trọng vì nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đang mong đợi.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, về bản chất, hai gói hỗ trợ này không giống như những gói kích cầu năm 2009 (gồm gói 1 tỉ USD hỗ trợ lãi suất tín dụng và 8 tỉ USD kích cầu nền kinh tế, đều lấy từ NSNN) - đó là những gói thực tế mà nói là không hiệu quả, gây hệ lụy về sau (tăng lạm phát, dòng vốn đổ vào một số lĩnh vực ít hiệu quả…) và việc triển khai cực kỳ phức tạp.

Không phải tiền mới bơm vào nền kinh tế

Trong khi đó, chia sẻ với PV, Giám đốc điều hành Economica Vietnam TS Lê Duy Bình cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, cách thức thực hiện như vậy là hợp lý. Gói hỗ trợ là hành động kịp thời nhằm hỗ trợ và chia sẻ cùng doanh nghiệp, song cũng thể hiện thái độ rất thận trọng của Chính phủ trong điều hành vĩ mô.

Theo ông Bình, về bản chất, gói tín dụng 250.000 tỉ đồng sẽ là tổng hợp tổng dư nợ hiện tại mà các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dưới các hình thức như tái cấu trúc lại kỳ hạn khoản vay, giảm lãi, phí. Đây là sự chia sẻ giữa hai bên ngân hàng và doanh nghiệp. Nó sẽ không phải là hình thức giống như gói kích thích kinh tế trước đây khi ngân sách được sử dụng ngân sách để trợ giúp lãi suất.

“Với hình thức này, sẽ không một đồng nào từ ngân sách hay từ phía NHNN được bơm ra. Nó vẫn là những cái nằm trong cung tiền hiện tại. Vì vậy thị trường có thể tin rằng gói hỗ trợ này sẽ không gây áp lực mạnh lên lạm phát trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thị trường cũng cần quan sát về  độ bền của các ngân hàng thương mại, và về quy mô của các khoản vay được tái cấu trúc, về sự suy giảm về lợi nhuận của các ngân hàng, về rủi ro của sự gia tăng nợ khó đòi trong hệ thống ngân hàng trong trung hạn”, ông Bình nói thêm.

Cũng theo TS Bình, đối với gói 30.000 tỉ đồng sẽ có thể được tiếp cận nhanh chóng thông qua các quyết định điều hành của của Chính phủ. Còn một phần của gói tín dụng 250.000 tỉ đồng sẽ mang lại lợi ích ngay cho nhiều doanh nghiệp do một số ngân hàng sẽ triển khai thực hiện ngay. Nhưng không phải tất cả các ngân hàng thương mại đều đã ở vị trí sẵn sàng. Vì vậy sẽ còn có nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải chờ đợi trong nhiều tuần sắp tới. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn