MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tương lai xán lạn của ngành bán lẻ dược phẩm

Trí Minh LDO | 24/09/2022 20:09

Trong báo cáo về ngành bán lẻ dược phẩm được các chuyên gia của SSI Research đưa ra cho thấy, các chuỗi bán lẻ dược phẩm đã mở rộng mạng lưới mạnh mẽ trong năm qua.

Ngành bán lẻ dược phẩm được đánh giá tiếp tục phát triển nhanh. Ảnh: LD
Điều này có thể được giải thích bởi sự kết hợp của ba yếu tố: nhà thuốc theo mô hình hiện đại giành được thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống, khi Chính phủ dần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với các nhà bán lẻ dược phẩm (kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thuốc kê đơn và triển khai hình thức đơn thuốc điện tử); kênh nhà thuốc có thể đã chiếm thị phần từ kênh bệnh viện, do các bệnh viện công thận trọng hơn trong hoạt động đấu thầu thuốc và gia tăng tiêu dùng đối với các sản phẩm vitamin hay thực phẩm chức năng để củng cố sức khỏe trong bối cảnh "sống chung với COVID-19".

"Chúng tôi tin rằng, các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẽ tiếp tục được hưởng lợi đáng kể từ sự kết hợp của ba yếu tố, do tác động của ba yếu tố này vẫn tương đối lớn trong thời gian tới. Chúng tôi tiếp tục tin rằng, các công ty dược phẩm bán lẻ sẽ duy trì tốc độ mở cửa hàng mới trong tương lai gần" - báo cáo của SSI nhận định.

Theo EIU (Economist Intelligence Unit), doanh thu dược phẩm tại Việt Nam đạt 5,9 tỉ USD (tăng 9,6% so với cùng kỳ) vào năm 2021. Các chuỗi nhà thuốc hiện đại đã tăng tốc mở mới kể từ năm 2021 để giành thị phần từ các nhà thuốc truyền thống. Theo IQVIA, Việt Nam có 55.300 cửa hàng thuốc vào năm 2016, trong đó 185 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại. Năm 2021, tổng số cửa hàng thuốc giảm xuống còn 44.600, nhưng số cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại đã tăng lên con số 1.600. Năm 2022, các chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn tiếp tục đặt mục tiêu mở mới đầy tham vọng.

Đáng chú ý, các chuyên gia cũng cho rằng, kênh nhà thuốc vẫn có thể giành thêm thị phần từ kênh bệnh viện, vì kênh bệnh viện sẽ mất thời gian để khôi phục tốc độ đấu thầu về mức trước COVID-19. Các chuỗi nhà thuốc thương mại hiện đại có thể hấp thụ thị phần của các hiệu thuốc truyền thống do quy mô lớn và lợi thế trong việc có sẵn hệ thống ERP - giao thức tương thích với hệ thống kê đơn điện tử mới. Ngoài ra, các phân tích cũng tin rằng, các nhà bán lẻ dược phẩm quy mô lớn có thể đảm bảo đủ lượng hàng tồn kho và giành được thị phần.

Bên cạnh đó, nhu cầu về vitamin và thực phẩm chức năng ngày càng tăng, mặc dù diễn biến này có thể chỉ mang tính ngắn hạn. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đã áp dụng chính sách “sống chung với COVID-19”.

"Các biến thể COVID-19 mới chủ yếu gây ra các triệu chứng nhẹ và bệnh nhân có thể tự mua thuốc điều trị tại chuỗi hiệu thuốc. Bệnh nhân COVID-19 cũng có xu hướng mua vitamin và thực phẩm chức năng cùng với thuốc đặc trị COVID-19 (Favipiravir/Molnupiravir). Điều này giúp các chuỗi hiệu thuốc ghi nhận thêm doanh thu từ các sản phẩm vitamin và thực phẩm chức năng" - phía SSI đưa ra đánh giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn