MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp bất động sản lỗ lớn sau 9 tháng đầu năm. Ảnh minh họa: KT

Tương phản bức tranh tài chính của các “ông lớn” bất động sản

Minh An LDO | 23/11/2020 19:30

Trải qua 3/4 chặng đường của năm 2020, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn trụ vững và tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận; nhưng không ít “ông lớn” lại “lao dốc”, báo lỗ lớn nhất từ trước đến nay.

Điểm mặt những doanh nghiệp lỗ lớn

Bước sang quý III, kết quả kinh doanh của FLC có khởi sắc. Tính riêng quý III, doanh thu thuần của FLC giảm 34% so với quý III/2019, đạt 3.436 tỉ. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng cũng giảm 27% và đặc biệt, doanh thu hoạt động tài chính tăng tới 182% so với cùng kỳ 2019, ghi nhận 1.317 tỉ đồng nên lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của FLC tăng mạnh.

Công ty ghi nhận lãi ròng 576,9 tỉ đồng trong quý III, tăng 795% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, khoản lãi trên cũng không thể gánh được khoản lỗ nghìn tỉ của Tập đoàn FLC trong 2 quý đầu năm.

Kết quả, 9 tháng năm 2020, doanh thu thuần của FLC đạt 9.913 tỉ đồng, giảm 13,12% so với con số 11.411 tỉ đồng cùng kỳ năm 2019. Kết thúc quý III, doanh nghiệp này lỗ sau thuế 1.294 tỉ đồng trong khi cùng kỳ lãi 65,4 tỉ đồng.

FLC cho biết dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mảng hàng không, khách sạn và du lịch của doanh nghiệp này.

Trước đó, do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2020 của FLC là số âm nên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM đã đưa cổ phiếu FLC vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ quý IV/2020.

Ngoài FLC, Tập đoàn Đất Xanh (HOSE:DXG) cũng chịu lỗ hơn 388 tỉ đồng sau 9 tháng. Đây cũng là năm đầu tiên Đất Xanh ghi nhận lỗ ròng kể từ sau năm 2016.

Trước đó, Đất Xanh đã bất ngờ chuyển từ lãi sang lỗ hàng trăm tỉ sau khi soát xét báo cáo tài chính 6 tháng.

Cụ thể, tại BCTC tự lập, Đất Xanh có lãi hơn 38 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, sau khi kiểm toán, Đất Xanh lỗ ròng hơn 488 tỉ đồng.

Một doanh nghiệp nữa cũng ghi nhận lỗ trên trăm tỉ sau 9 tháng năm 2020 là COMA18 (HOSE:CIG).

Đến hết quý III, COMA 18 ghi nhận 39,2 tỉ đồng doanh thu nhưng giá vốn bán hàng lại lên tới 175,7 tỉ đồng. Kết quả, COMA18 lỗ sau thuế 136,4 tỉ đồng sau 9 tháng. Vốn chủ sở hữu của COMA18 bị ăn mòn đáng kể, giảm từ 331,3 tỉ đồng đầu kỳ xuống 188 tỉ tại ngày 30.9.2020.

Trong nhóm doanh nghiệp báo lỗ, còn có nhiều cái tên lớn như Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) lỗ 39,7 tỉ; ông trùm hạ tầng Tasco (HNX: HUT) lỗ 83 tỉ đồng; Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (HOSE: LGL) lỗ 69,4 tỉ.

Những cái tên góp mặt trong câu lạc bộ lãi nghìn tỉ

Ở chiều ngược lại, các “họ Vingroup” như Vinhomes (HOSE:VHM) và Vingroup (HOSE:VIC) vẫn duy trì phong độ là những doanh nghiệp đầu ngành.

Cả VHM và VIC đều có tên trong câu lạc bộ doanh nghiệp lãi nghìn tỉ sau 9 tháng đầu năm.

Trong đó, Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 9 tháng đầu năm 2020 đạt 49.378 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do công ty bước vào thời kỳ bàn giao lớn với các sản phẩm bàn giao chủ yếu của 4 dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Marina.

Lãi ròng 9 tháng của VHM đạt 16.330 tỉ đồng, tăng gần 7% so cùng kỳ.

Trong quý IV, VHM dự kiến bàn giao 11.000 sản phẩm, cho thuê hơn 370 ha đất khu công nghiệp từ 2021.

Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup (VIC) công bố doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 74.600 tỉ đồng, giảm 19,41% so với cùng kỳ 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do đã chuyển nhượng bán lẻ cho Masan Group từ cuối năm 2019.

Riêng mảng kinh doanh bất động sản đóng góp 49.400 tỉ đồng vào doanh thu của VIC 9 tháng đầu năm, tương đương cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng, VIC lãi sau thuế 4.024 tỉ đồng, tăng 38,85% so với 9 tháng năm 2019 (2.898 tỉ đồng).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn