MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỷ giá đồng Yên dao động quanh 151 USD/JPY. Ảnh minh họa: Xinhua

Tỷ giá đồng Yên sẽ được "cứu vớt" vào tuần sau?

Quý An LDO | 30/03/2024 11:48

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay (30.3): Giá USD mạnh lên đòi hỏi các ngân hàng trung ương lớn ở châu Á phải củng cố đồng tiền của các quốc gia này.

Tỷ giá 1 USD hôm nay bằng bao nhiêu VND?

Tỷ giá USD Ngân hàng Nhà nước ở mức 24.003 đồng.

Tỷ giá USD Vietcombank hiện ở mức 24.600 đồng - 24.970 đồng (mua vào - bán ra).

Tỷ giá Euro hiện ở mức 26.020 đồng - 27.477 đồng (mua vào - bán ra).

Tỷ giá Yên Nhật hiện ở mức 158,93 đồng - 168,22 đồng (mua vào - bán ra).

Tỷ giá Bảng Anh hiện ở mức 30.490 đồng - 31.787 đồng (mua vào - bán ra).

Tỷ giá Nhân dân tệ hôm nay ở mức 3.362 đồng - 3.505 đồng (mua vào - bán ra).

Giá USD hôm nay

Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), ghi nhận ở mức 104,31 điểm.

Tỷ giá USD hôm nay. Ảnh: CNBC

Theo nguồn tin của Reuters, các cơ quan quản lý tiền tệ Nhật Bản quyết định tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về đồng Yên vào tuần sau. Cuộc họp bao gồm các lãnh đạo Bộ Tài chính (MOF), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Cơ quan Dịch vụ Tài chính. Điều này cho thấy Tokyo sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm cứu vớt đồng Yên rớt giá. Hiện tỷ giá đồng Yên so với đồng USD đã lên cao nhất trong 3 thập kỷ.

Đây là giai đoạn nhạy cảm của đồng Yên khi ở mức tỷ giá 151,97 USD/JPY - tiệm cận mức 152 USD/JPY từng khiến Nhật Bản phải mua lại hồi tháng 10.2022.

Ngay sau tin tức về cuộc họp bất thường tại Nhật Bản, tỷ giá đồng Yên giảm xuống còn 151 USD/JPY rồi dao động ở phạm vi hẹp ở mức 151,30 USD/JPY.

Yoshimasa Maruyama, nhà kinh tế trưởng về thị trường của SMBC Nikko Securities, bình luận: “Cuộc họp bên diễn ra vào thời điểm thích hợp vì nếu không, đồng Yên có thể sụt giảm mạnh”.

Lần đầu tiên cuộc họp bất thường này được tổ chức vào năm 2016. Mục đích ban đầu là đưa ra cảnh báo về việc đồng Yên tăng quá mức, gây tổn hại cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản.

Tuy nhiên, đến năm 2022, đồng Yên có xu hướng giảm giá lại là vấn đề, khiến Nhật Bản gia tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu và nhiên liệu.

Về phần đồng USD, đồng bạc xanh mạnh lên khiến các ngân hàng Trung ương lớn ở châu Á khó đoán biết bước đi tiếp theo về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Nền kinh tế Mỹ trong quý II được dự báo vẫn sẽ mạnh mẽ. Điều này thúc đẩy các ngân hàng Trung ương, bao gồm cả Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, phải can thiệp hoặc xem xét can thiệp để củng cố đồng tiền của họ.

Báo cáo việc làm của Mỹ được công bố ngày 5.4 sẽ là căn cứ để nhận biết Mỹ có tránh được suy thoái kinh tế hay không.

Theo các nhà kinh tế được thăm dò bởi Reuters, bảng lương phi nông nghiệp dự kiến ​​sẽ tăng 200.000 trong tháng 3. Đó sẽ là một bước thụt lùi so với mức tăng 275.000 trong tháng 2.

Hy vọng về "hạ cánh mềm" của nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng lên sau khi FED ủng hộ quan điểm về 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, đồng thời nâng cao ước tính tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, vẫn có lo ngại nền kinh tế số một thế giới vẫn quá mạnh mẽ khi giá tiêu dùng hồi đầu năm cao hơn dự kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn