MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tỷ giá nóng hầm hập, doanh nghiệp "méo mặt" vì giá USD vào sóng tăng

Hương Nguyễn LDO | 09/08/2022 20:26

90% các giao dịch xuất nhập khẩu của Việt Nam là thanh toán bằng tiền USD. Câu chuyện điều hành tỷ giá tiếp tục là bài toán khó khiến Ngân hàng Nhà nước đau đầu trong bối cảnh lạm phát cao. Đối với doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ giá USD/VND tăng có thể khiến tăng giá vốn, dẫn tới lợi nhuận giảm.

Từ đầu năm đến nay, đồng VND mất giá khoảng 2,5-2,7% so với đồng USD. So với hai đồng tiền quan trọng là EUR và JPY, cặp tỷ giá EUR/VND đã giảm 8% và cặp JPY/VND đã giảm 12% kể từ đầu năm.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế dự báo tỷ giá VND/USD có thể mất giá 3,5% từ nay đến cuối năm. Trong khi đó, về nợ quốc gia tăng thêm do đồng USD tăng giá.

“Hiện tại, 90% trong giao dịch xuất nhập khẩu của Việt Nam là thanh toán bằng tiền USD, chính vì vậy sự tăng lên của tỷ giá USD/VND và sự giảm giá của tỷ giá JPY/VND sẽ có ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp. Các giao dịch bằng đồng EUR tại Việt Nam lại chiếm tỷ trọng không quá lớn, do vậy việc tỷ giá EUR/VND giảm sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới các doanh nghiệp đang niêm yết”, chuyên gia của Agriseco nhận định.

Lợi nhuận một số doanh nghiệp nhập khẩu có thể giảm do tỷ giá

"Cán cân thương mại xuất khẩu của Việt Nam 70% phụ thuộc về khối FDI, nhưng FDI xuất nhiều lại nhập nhiều nguyên, nhiên liệu đầu vào. Tỷ giá đồng USD có tăng hay giảm thì họ vẫn phải tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Rõ ràng tác động này mang tính liên đới, lâu dài", TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc đồng nội tệ mất giá không hẳn là tốt cho xuất khẩu, bởi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

chuyên gia kinh tế dự báo tỷ giá VND/USD có thể mất giá 3,5% từ nay đến cuối năm

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhất trước rủi ro trước diễn biến tỷ giá là doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu phần lớn từ Mỹ như bông, nhựa, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm và hoá chất.

“Tỷ giá USD/VND tăng có thể khiến tăng giá vốn, dẫn tới lợi nhuận của doanh nghiệp giảm”, chuyên gia của Agriseco nhận định.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp có tỷ trọng vay nợ USD cao trên tổng tài sản cũng sẽ gặp rủi ro khi việc huy động vốn vay USD với tỷ trọng lớn có thể khiến các doanh nghiệp chịu lỗ tỷ giá, theo đó làm tăng chi phí tài chính và làm lợi nhuận sau thuế giảm.

“Các doanh nghiệp có chi phí đầu tư tài sản cố định cao như điện than, năng lượng tái tạo, sản xuất thép; hoặc lĩnh vực vận tải như vận tải dầu khí, vận tải hàng không và đang được tài trợ vốn quốc tế thông qua vay nợ bằng USD cũng chịu ảnh hưởng”, chuyên gia Agriseco cho biết.

Các doanh nghiệp nội địa đang bị cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Châu Âu hoặc Nhật Bản cũng có thể bị ảnh hưởng. Các mặt hàng từ các khu vực này sẽ có giá vốn rẻ hơn (tính theo VND) và ảnh hưởng trực tiếp tới sức cầu tiêu thụ mặt hàng nội địa.

Một số ngành có giá trị nhập siêu từ Châu Âu, Nhật Bản lớn bao gồm sắt thép và phế liệu, dược phẩm, thức ăn chăn nuôi, nhựa, hoá chất…

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hưởng lợi từ tỷ giá

Các chuyên gia cho rằng các nhóm ngành, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi khi tỷ giá USD/VND tăng như CTCP May Sông Hồng (MSH), CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL), CTCP Phú Tài (PTB), TCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (MPC).

Bên cạnh đó, khi tỷ giá USD/VND tăng, các doanh nghiệp khu công nghiệp có lợi thế về thu hút dòng vốn FDI, giá cho thuê được dựa trên cơ sở đồng USD cũng sẽ được hưởng lợi.

Các nhà phát triển khu công nghiệp đang có dự án khu công nghiệp triển khai cho thuê tại các địa phương sẽ thu hút được nhiều khách nước ngoài, kết hợp với tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng sẽ hỗ trợ doanh thu và lợi nhuận. Một số doanh nghiệp có thể kể đến như Kinh Bắc City (KBC), Becamex IDC (BCM), Viglacera (VGC). 

Các doanh nghiệp đang vay nợ bằng đồng JPY nhiều cũng sẽ được hưởng lợi, do việc đồng tiền này giảm giá sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí tài chính khi ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá, từ đó giúp lợi nhuận được cải thiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn