MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: PV dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

UBKT Quốc hội: Lo ngại tình trạng thiếu việc làm với lao động trẻ

Đức Thành - Xuân Hải LDO | 23/10/2017 11:38

Sáng nay, 23.10, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – ông Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo  “Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018”.

Theo báo cáo, về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được kiên trì thực thi đúng hướng và phù hợp diễn biến thị trường, nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Về kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu cho thấy, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước thực hiện đạt 6,7% vẫn là thách thức lớn, do vậy, Chính phủ cần rà soát, đánh giá các khó khăn và phân tích rõ hơn các yếu tố, nguồn lực để bảo đảm đạt được mức tăng trưởng 6,7%.

Đặc biệt, đối với một số chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực lao động, giải quyết việc làm, y tế và môi trường: nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm đối với lao động trẻ, có chuyên môn kỹ thuật. Chưa giải quyết dứt điểm tình trạng chủ sở hữu doanh nghiệp bỏ trốn, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, tiền lương của người lao động; một số địa phương lo vỡ quỹ bảo hiểm y tế do chi trả vượt kế hoạch...

Thực trạng kinh tế - xã hội cũng bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần tiếp tục quan tâm giải quyết, ví dụ như: nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao, tiến độ sắp xếp, CPH, thoái vốn DNNN chưa đạt yêu cầu đề ra.

Một số cơ chế, chính sách còn bất cập, ĐKKD, TTHC còn rườm rà, phức tạp. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lên nhưng các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và chờ giải thể có xu hướng tăng cao; tiến độ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn còn rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của các dự án.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển dòng vốn và mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam là tín hiệu tích cực nhưng nếu không được thẩm định, kiểm soát kỹ cũng kéo theo sự chuyển dịch công nghệ lạc hậu, kém thân thiện môi trường vào nước ta.

Các dự án BOT giao thông còn khiến dư luận xã hội bức xúc như công tác chỉ định thầu, các nhà đầu tư chưa bảo đảm năng lực, chất lượng một số công trình kém, mức giá dịch vụ, thời gian thu phí và việc đặt các trạm thu phí BOT chưa hợp lý tại các tuyến quốc lộ.

Đa số các ý kiến cho rằng, các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn cần được quan tâm, đánh giá rõ hơn về chất lượng, tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực như “bong bóng” trên TTCK, BĐS và khả năng kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, còn những vấn đề lớn khác như vấn đề tiền ảo, biến tướng trong kinh doanh đa cấp; xử lý các hạn chế, yếu kém trong triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về đóng tàu cá vỏ thép...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn