MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ùn ứ hàng hoá ở cửa khẩu: Doanh nghiệp chung tay "cứu" nông sản

Cường Ngô LDO | 02/01/2022 14:46
Tình trạng ùn ứ hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã tác động đến giá nông sản trong những ngày cuối năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa và nêu cao vai trò của địa phương để không lặp lại câu chuyện này.

Doanh nghiệp cùng chung tay "cứu" nông sản

Những ngày vừa qua, hàng nghìn xe container chở nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn khiến nhiều bộ ngành phải vào cuộc giải quyết. Việc ùn ứ lâu ngày tại các cửa khẩu khiến nhiều xe hàng phải quay về Hà Nội hoặc các thành phố lớn, bán với giá khoảng 4.000-8.000 đồng/kg. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần khởi động gấp rút chiến dịch tuyên truyền "Người Việt hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt" dịp cận Tết, đồng thời có kịch bản để kích cầu tiêu dùng nội địa.

Ông Nguyễn Thái Dũng, tổng giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG, cho biết sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận nhằm giúp nông sản gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRGMart. Hệ thống này sẽ chuẩn bị các kho lạnh tích trữ hải sản, trái cây để bán hàng từ nay đến Tết Nguyên đán, đồng thời đẩy mạnh bán hàng trên kênh online.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Hanoi Co.opmart, đơn vị luôn sẵn sàng phối hợp với đối tác để tiêu thụ hàng nông sản cho bà con nông dân và hỗ trợ giá tốt nhất cho người tiêu dùng. 

"Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Liên minh hợp tác xã tại các tỉnh, thành để hỗ trợ, phân phối các mặt hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi không tiêu thụ được hoặc khó tiêu thụ do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và siết chặt biên giới.

Ngoài ra, chúng tôi cũng cam kết kết nối tiêu thụ, phân phối hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên ở mức cao nhất, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến tay người tiêu dùng cả nước, góp phần ổn định tình hình thị trường", bà Dung cho hay.

Hàng nghìn xe hàng nông sản bị ùn ứ ở Cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Đặng Phúc Nguyên 

Theo bà Nguyễn Phương Hồng - Giám đốc kế hoạch chuỗi cung ứng Tập đoàn Nafoods Group, với tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến lên tới 100.000 tấn/năm, tương đương 300.000 tấn nguyên liệu/năm, doanh nghiệp này sẽ tham gia hỗ trợ tiêu thụ chanh dây và thanh long.

"Với các sản phẩm tại cửa khẩu phía Bắc, có thể chuyển về nhà máy ở Nghệ An, còn phía Nam sẽ đưa về nhà máy tại Long An", bà Hồng cho biết.

Ông Đinh Cao Khuê, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cũng cho biết, hiện công ty đang tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm nông sản bị ách tắc tại biên giới.

"Nếu các đơn vị có sản phẩm xoài, dứa, chanh dây hay chuối gặp khó khăn trên cửa khẩu, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ", ông Khuê cho hay.

Muốn kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế đồng tình về việc cần có giải pháp thúc đẩy thị trường trong nước và tăng tiêu dùng nội địa. Bởi, chỉ khi doanh nghiệp bán được hàng mới có tiền quay vòng sản xuất, chi trả lương cho người lao động, và từ đó tác động trở lại đến tiêu dùng trong nước, giúp kinh tế hồi phục.

"Muốn kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm", ông Thịnh nói.

Dẫn kinh nghiệm của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Sơn La, thành công trong đợt giải cứu nông sản lúc cao điểm mùa dịch COVID-19, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kết quả kích cầu tiêu thụ đạt được nhờ sự quan tâm và tích cực vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp.

Đối với việc thúc đẩy tiêu thụ trong nước, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương có vùng trồng phải chủ động xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động tiêu thụ nội địa. Qua các hoạt động này, sẽ góp phần giảm hàng hóa đưa lên cửa khẩu.

"Vai trò của địa phương trong hoạt động này rất quan trọng. Thực tế tiêu thụ nông sản trong đợt dịch vừa qua cho thấy, với những địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La, dù thu hoạch đúng vào mùa dịch nhưng nếu đã xây dựng kịch bản chương trình ngay từ đầu mùa vụ, việc tiêu thụ hết nông sản không khó.

Trong đó, thị trường nội địa tiêu thụ rất tốt. Chính vì vậy, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và nêu cao vai trò của địa phương sẽ là giải pháp căn cơ", ông Toản nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn