MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng trăm xe hàng nông sản bị ùn ứ ở Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Đặng Phúc Nguyên

Ùn ứ nông sản ở cửa khẩu: Dự tính trước nhưng không thể giải quyết

Vũ Long LDO | 16/12/2021 22:16
Trước tình trạng hàng trăm xe nông sản ùn ứ tại cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn, biện pháp giải quyết đang rất bế tắc.

Bộ NNPTNT chỉ đạo bằng văn  bản 

Trước tình trạng tại cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma (Lạng Sơn) còn tồn hơn 4.000 xe hàng hóa, trong đó, riêng cửa khẩu Tân Thanh đang tồn hơn 2.400 xe hàng, chủ yếu là nông sản từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Đắk Lắk, Tiền Giang và Bình Định, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) đã có văn bản gửi Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Rau Quả Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam về hướng giải quyết để giảm thiểu ùn ứ.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách “Zero COVID-19” đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc, dẫn đến việc giảm tốc độ thông quan xuống còn 50% so với trước đây, gây ra ùn ứ rất lớn lượng xe vận chuyển nông sản tại các cửa khẩu và áp dụng các biện pháp kiểm tra COVID-19 trên bao bì hàng hóa, tăng cường công tác kiểm dịch thực vật đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc.

Tính từ thời điểm giữa tháng 11.2021, khi Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khảo sát các tỉnh biên giới, lượng xe container dồn ứ tại Lạng Sơn đã tăng từ 1.700 xe lên đến 4.000 xe (theo Công văn số 1820/SCT-QLTM ngày 10.12.2021 của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn).

Dự báo thời gian tới, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là chuẩn bị dịp Tết Nhâm Dần năm 2022 khi nhu cầu hàng nông sản, thủy sản tại Trung Quốc tăng cao, các sở NNPTNT báo cáo UBND tỉnh và phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan (Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải...) thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có phương án xử lý và bảo quản hàng nông sản, thủy sản tại địa phương.

Đồng thời, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, phối hợp với các tỉnh biên giới, đặc biệt là Lạng Sơn, thông báo cho các doanh nghiệp làm việc với đối tác nhập khẩu bố trí thời lượng đưa xe lên cửa khẩu để đảm bảo phù hợp với năng lực thông quan và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng rau quả, thuỷ sản xuất khẩu qua tuyến biên giới với Trung Quốc. Kiểm soát các cơ sở vùng trồng, thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc xuất xứ, quy định nhãn mác, bao bì sản phẩm, quản lý hồ sơ doanh nghiệp theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng đảm bảo đủ điều kiện thông quan khi hàng đưa lên cửa khẩu. 

Việc đã tiên lượng trước, nhưng không thể giải quyết

Mới đây, trao đổi với PV Lao Động, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam - đã chia sẻ về nỗi lo nông sản sẽ bị ùn ứ bởi Trung Quốc áp dụng lệnh cách ly 6-7 tuần đối với thủy thủ sau các chuyến công tác, khiến các thủy thủ xin nghỉ việc để về quê ăn Tết Nguyên đán. Thiếu thủy thủ, nhiều hãng tàu quốc tế đã giảm chuyến, vận tải đường biển dồn áp lực lên đường bộ, khiến tình trạng ùn ứ nông sản trở nên nghiêm trọng.

Tối 16.12, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, hiện chưa có giải pháp nào khả thi để giải quyết tình trạng ùn ứ này.

“Đây là việc bất khả kháng, không thể giải quyết được vì cả Đông Nam Á và thế giới đều bị như vậy. Không riêng gì trái cây, nông sản Việt Nam, mà trái cây, nông sản của Thái Lan, Lào, Campuchia đều phải chịu tình trạng này. Hiện tại, chỉ cố tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thu mua nhiều hàng cho dân (cho vay vốn thu mua). Tăng cường  tuyên truyền dân sử dụng rau quả nội và đẩy mạnh thương mại điện tử để hỗ trợ tiêu thụ” - ông Đặng Phúc Nguyên nói.

Sau đây thêm một số hình ảnh ùn ứ xe hàng do ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ:

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn