MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành Hải quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quyết tâm triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Ảnh Cao Nguyên.

Ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Hải quan có bước nhảy vọt

CAO NGUYÊN LDO | 13/03/2021 13:20

Tổng cục Hải quan đánh giá, 5 năm trở lại đây (2016-2020), việc ứng dụng công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan đã có bước tiến nhảy vọt.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính về ứng dụng công nghệ thông tin, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.

Tổng cục Hải quan đang tập trung nguồn lực thực hiện tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin của toàn Ngành. Công tác hiện đại hóa hải quan đang có chuyển động mới, mục tiêu mới trên cơ sở những kết quả tích cực về ứng dụng công nghệ thông tin những năm qua, đặc biệt là kết quả nổi bật trong thời gian gần đây.

Theo Tổng cục Hải quan , 5 năm trở lại đây (2016-2020), việc ứng dụng công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan đã có bước tiến nhảy vọt. Những kết quả ứng dụng công nghệ thông tin là động lực để xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu cải cách, hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi thương mại, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử.

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã xây dựng được hệ thống công nghệ thông tin hoạt động tương đối ổn định, thống suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan như: thực hiện thủ tục hải quan, nộp thuế, quản lý hàng hóa tại cảng biển, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, xử lý vi phạm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, quản lý nội ngành.

Trước hết là thực hiện thủ tục hải quan tự động. Hiện thủ tục hải quan hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS. Đã có hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Thông qua việc triển khai Hệ thống đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.

Kết thúc năm 2020, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 202/238 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 85% tổng số thủ tục hành chính toàn Ngành. Trong đó có 196 thủ tục hành chính đã được cung cấp ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 82,4%).

Cùng với đó là thực hiện thanh toán điện tử; hệ thống giám sát, quản lý hải quan tự động VASSCM; đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ quản lý nhà nước về hải quan;…

Dù có nhiều kết quả tích cực, nổi bật, nhưng để đáp ứng mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới, Tổng cục Hải quan thẳng thắn nhìn nhận hiện trạng về công nghệ thông tin hiện nay của Ngành còn gặp không ít vấn đề hạn chế.

Trước tiên, ứng dụng công nghệ thông tin vẫn chưa phủ tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan. Bởi, còn một số lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan vẫn chưa được tin học hóa và tự động hóa như: thanh tra, kiểm tra; miễn giảm, hoàn thuế; quá cảnh; giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải,…

Thứ hai, khả năng thay đổi, đáp ứng các yêu cầu thay đổi của quy định pháp luật còn chậm. Bên cạnh đó, trang thiết bị phần cứng vẫn còn thiếu và chưa có hệ thống công nghệ thông tin dự phòng.

Nguyên nhân của thực trạng trên do hệ thống công nghệ thông tin được phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau. Ngoài ra, Ngành còn thiếu kiến trúc tổng thể hệ thống công nghệ thông tin. Chính phủ yêu cầu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, thông suốt, dựa trên thiết kế tổng thể. Trong khi đó, hệ thống công nghệ thông tin của ngành Hải quan chưa có thiết kế tổng thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn