MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài xế xe ôm công nghệ thực hiện đơn giao đồ ăn trong buổi tối (ảnh: PK).

Ứng dụng đặt xe vung tiền “giành giật” tài xế xe ôm công nghệ

Thế Lâm LDO | 23/07/2019 14:06
Ngay trong thời điểm tài xế xe ôm công nghệ Go-Viet tắt app và hủy chuyến vừa qua để phản đối chính sách thưởng mới của ứng dụng đặt xe này, một loạt bác tài cũng tự chuyển dịch sang phía Grab tìm việc. Trên trang Facebook của CLB Go-Viet Sài Gòn thậm chí tài khoản T.T còn cho biết, chuyển sang app đối thủ còn được “thưởng nóng 5 triệu đồng tiền mặt”.

Ào ạt thưởng tiền cho tài xế mới

Tuy nhiên, thông tin “thưởng nóng 5 triệu tiền mặt” sau đó nhanh chóng được phía Grab cho biết là không chính xác. Đúng hơn, đối với các tài xế mới gia nhập ứng dụng này sẽ được thưởng 1,6 triệu đồng. Số tiền này sẽ được chia làm 4 lần tương ứng với 4 tuần đổ vào tài khoản cho bác tài mới.

Không riêng gì Grab, ứng dụng đặt xe MyGo của Viettel Post chính thức khai trương từ ngày 1.7 vừa qua cũng tung ra nhiều chính sách hỗ trợ tài xế mới gia nhập.

Cụ thể, các tài xế được tặng áo đồng phục và 1 nón bảo hiểm. Ngoài ra, các tài xế hoàn thành dịch vụ chở khách và giao hàng cũng như đáp ứng một số điều kiện còn được thưởng thêm 15%.

Phía Viettel Post cũng xác nhận, tài xế mới gia nhập ứng dụng này được thưởng 1 triệu đồng đổ thẳng vào ví điện tử ViettelPay để sử dụng cho việc khấu trừ chi phí thay vì phải đóng tiền vào tài khoản ví này.

Trước đó vào tháng 3.2019, một “lính mới” trên thị trường ứng dụng đặt xe là Be cũng đã áp dụng chính sách thưởng đối với tài xế xe ôm mới gia nhập là 500.000 đồng với điều kiện trong vòng 14 ngày các tài xế phải hoàn thành 25 chuyến xe. Bên cạnh thưởng gia nhập thì các tài xế còn được hưởng chính sách thưởng theo số chuyến và tổng doanh thu theo ngày.

“Có mới nới cũ”?

Tuy nhiên, với vụ việc hàng loạt tài xế Go-Bike của Go-Viet mới đây tắt app hủy chuyến vì cho rằng chính sách thưởng mới của ứng dụng này buộc các tài xế phải chạy đạt số điểm gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba so với trước thì mức thưởng được gấp rưỡi so với mức cũ.

Trả lời về việc ban hành chính sách thưởng mới này, phía Go-Viet cho rằng đó là dựa vào khảo sát nhu cầu của tài xế. Tuy nhiên, nhiều tài xế Go-Viet vẫn không hài lòng và quyết định thanh lí app để chuyển sang ứng dụng khác.

Các tài xế xe ôm công nghệ hiện có thể vừa làm dịch vụ chở khách kiêm giao hàng, giao thức ăn (ảnh: techbike.vn).

Một tài xế Go-Viet đang lấy thức ăn ở một tiệm bánh mì (Quận 1, TP.HCM) cho biết: “Người nào còn tiền thì cứ việc tắt app nghỉ khỏe. Nhưng như em, vẫn phải cày để có thu nhập hàng ngày. Hiện nay cũng có nhiều app để lựa chọn vì vậy nơi nào tốt hơn thì chuyển qua đó thôi”.

Lâu nay, thường mỗi lần các ứng dụng đặt xe thay đổi về chính sách thưởng hay mức chiết khấu với hướng tăng lên hoặc giảm xuống gây thiệt thòi cho quyền lợi các tài xế hiện hữu thì hầu hết đều gặp phải phản ứng, và tình trạng tắt app, hủy chuyến lại diễn ra...

Thị trường xe ôm công nghệ tại Việt Nam hiện có đến hàng trăm ngàn tài xế  nhưng dường như vẫn chưa đủ khi các ứng dụng vẫn tiếp tục vung tiền ra chiêu mộ tài xế mới và giữ chân tài xế hiện hữu bằng các chính sách thưởng. Những chính sách này thường được gọi bằng các khái niệm như “cạnh tranh đốt tiền”, “cạnh tranh cắt máu” trên thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn