MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú. Ảnh: Hoàng Giáp

Ưu tiên tháo gỡ khó khăn, khôi phục sức khỏe cho doanh nghiệp

Đức Mạnh LDO | 22/08/2023 11:54

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.

Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Theo khảo sát năm 2022 của Vietnam Report, 96,1% doanh nghiệp đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất; 61,5% gặp khó khăn bởi gián đoạn do “di chứng” của đại dịch COVID-19 gây ra, 53,9% chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng; 48,1% cho rằng sức mua của người tiêu dùng giảm sút, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và 40,4% khó khăn về thiếu nhân lực sản xuất.

Sang đến năm 2023, tình hình càng trở nên khó khăn hơn. Bằng chứng là tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp kể từ năm 2011 đến nay (ngoại trừ năm 2020), khu vực sản xuất liên tục bị thu hẹp trong nhiều tháng, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm cả về số lượng và quy mô vốn trong khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng. Số doanh nghiệp tiếp cận tín dụng trong những tháng đầu năm cũng giảm 1.000 doanh nghiệp.

Trước tình hình hiện nay, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.

"Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với các bộ, ngành trong việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ khá toàn diện, tác động lên cả về phía cung và cầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể kể đến các chính sách về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí; hỗ trợ về tài chính và tín dụng; thúc đẩy xuất khẩu và bảo vệ chuỗi cung ứng..." - ông Tú cho biết.

Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”. Ảnh: Hoàng Giáp

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - chỉ ra 4 nguyên nhân chính: Thứ nhất, do tác động của cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19, lại kết hợp bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu nên nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn giảm sút.

Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã. Thứ ba, tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản.

Thứ tư, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả. Tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn