MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ra mắt Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh TTXVN

Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không được trở thành một cơ quan quan liêu tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

Khánh Hoà LDO | 30/09/2018 18:35

Ngày 30.9, phát biểu tại lễ ra mắt Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định vai trò của Uỷ ban là rất lớn và không chỉ Chính phủ, các cơ quan liên quan mà dư luận cũng đang theo dõi, đặt kỳ vọng lớn vào hoạt động của Uỷ ban.

Thủ tướng khẳng định sự thành bại của Uỷ ban rất quan trọng và sự ra đời của Uỷ ban là bước quan trọng để phân biệt rõ hơn, tách bạch hơn chức năng quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh của DN.

Thủ tướng chỉ ra những bất cập khi các bộ phải "vừa đá bóng vừa thổi còi" trong thời gian qua tại các DNNN, và cho rằng việc đưa 19 tập đoàn, tổng công ty (TCT) về Uỷ ban làm vai trò của các bộ không giảm mà còn tăng lên.

Người đứng đầu Chính phủ liên tục nhấn mạnh về sự hiệu quả trong hoạt động của DNNN sau khi có Uỷ ban, khẳng định tầm quan trọng việc quản lý số vốn hơn 2,3 triệu tỉ đồng tại những đơn vị trọng yếu của nền kinh tế Việt Nam. 

Liên quan tới mô hình hoạt động của Uỷ ban, Thủ tướng đề nghị Uỷ ban cần xây dựng bộ máy chuyên nghiệp hiện đại, hoạt động hiệu quả để nâng cao hoạt động của DNNN chứ không được trở thành một cơ quan quan liêu tạo gánh nặng cho DN.

Để thành công, Thủ tướng đề nghị Uỷ ban tập trung vào 6 nhiệm vụ chính trong đó đặc biệt yêu cầu các bộ, ngành có DN thuộc diện cần chuyển giao cần phối hợp để chuyển giao ngay, không để chậm trễ, không để khoảng trống pháp lý ảnh hưởng tới hoạt động DN.

"Thủ tục ở Việt Nam chậm lắm nên lần này phải làm nhanh lên" - Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị liên quan cần hoàn thiện thủ tục chuyển giao để Uỷ ban triển khai ngay quyền hạn của mình.

Ông cũng đề nghị các bộ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho DN phát triển thuận lợi.

Thủ tướng đặc biệt yêu cầu không để khoảng trống pháp lý trong bàn giao, để chống tham nhũng, ngăn tiêu cực, chặn tình trạng sân trước sân sau trong kinh doanh, cũng như không để lặp lại 1 số vụ việc trước đây. 

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Uỷ ban Nguyễn Hoàng Anh cam kết thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng.

Ông Hoàng Anh cũng cho biết sẽ kiện toàn ngay bộ máy, xác định thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu trong 2 năm tới. Đó là chỉ đạo triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp trên cơ cở thúc đẩy ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững.

Về cơ cấu tổ chức, Ủy ban có Chủ tịch và không quá 04 Phó Chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.

Uỷ ban quản lý vốn tại 19 tập đoàn gồm Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam; TCT Viễn thông Mobifone; TCT Thuốc lá Việt Nam; TCT Hàng không Việt Nam; TCT Hàng hải Việt Nam; TCT Đường sắt Việt Nam; TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; TCT Cảng Hàng không Việt Nam; TCT Cà phê Việt Nam; TCT Lương thực miền Nam; TCT Lương thực miền Bắc; TCT Lâm nghiệp Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn