MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo Bộ TNMT có tới 17% người dân vẫn phải hối lộ khi làm sổ đỏ. Ảnh: PV

Vẫn còn 17% người dân phải hối lộ khi làm sổ đỏ

THÔNG CHÍ LDO | 13/04/2018 06:53

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), hiện nay tỉ lệ người dân phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giảm từ 23% năm 2016 xuống còn 17% năm 2017.

Thông tin này được Bộ TNMT đưa ra trong họp báo thường kỳ quý I.

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I.2018 và nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II.2018, lãnh đạo Bộ TNMT cho biết, kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam cho thấy, các lĩnh vực quản lý của bộ đã có những cải thiện đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai.

Cụ thể, tỉ lệ người dân phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giảm từ 23% năm 2016 xuống còn 17% năm 2017. Ngoài ra, tỉ lệ người dân cho biết có điều kiện tiếp cận bộ phận một cửa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng từ 79% năm 2016 lên 86% năm 2017; tỉ lệ người dân phản ánh bị thu hồi đất trái pháp luật giảm từ 9% năm 2016 xuống 7% năm 2017.

Cũng theo bộ TNMT, cả nước đã cấp được 96,6% diện tích cần cấp "sổ đỏ" với tổng diện tích trên 23,37 triệu ha các loại đất và trên 42,8 triệu thửa đất lâm nghiệp, nông nghiệp và đất ở.

Theo Bộ TNMT, với 3,4% diện tích còn lại chưa cấp được "sổ đỏ", chủ yếu là những trường hợp vướng mắc, khó khăn trong cấp sổ đỏ.

Nguyên nhân tồn đọng diện tích chưa hoàn thành cấp sổ đỏ đối với đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp là chưa thực hiện triệt để việc rà soát, sắp xếp, xác định ranh giới, mốc giới, giải quyết tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai và xây dựng phương án sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường.

Nhiều trường hợp cơ quan, đơn vị sử dụng diện tích lớn như các nông trường, lâm trường, trường bắn, trường học, sân bay đã cho thuê, cho mượn đất trái phép hoặc để bị lấn, chiếm hoặc giao đất chồng lấn lên đất của tổ chức, cá nhân khác gây tranh chấp từ nhiều năm qua chậm được giải quyết.

Đối với đất sản xuất nông nghiệp, vi phạm chủ yếu là tình trạng tự khai hoang, phá rừng để sản xuất nông nghiệp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp

Đối với đất ở chưa cấp được sổ đỏ, vướng mắc chủ yếu do nguồn gốc từ việc giao trái thẩm quyền nhưng chưa thực hiện việc bàn giao đất về địa phương để quản lý (cơ quan giao trái thẩm quyền còn tồn tại hoặc đã giải thể).

"Nhiều trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật như chuyển mục đích sử dụng trái phép, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, nhưng việc giải quyết phức tạp, chưa giải quyết xong, đặc biệt là ở các đô thị", thông tin từ Bộ TNMT cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn