MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ các xe chở nông sản, hàng hóa xuất khẩu được thông quan nếu đã ký hợp đồng và xuất khẩu chính ngạch. Ảnh: T.C

Vẫn còn hàng trăm xe chở nông sản xuất khẩu ùn ứ tại cửa khẩu biên giới

Khánh Vũ LDO | 17/02/2020 16:58

Vẫn còn tình trạng các xe chở nông sản và hàng hóa lên cửa khẩu Lạng Sơn với hy vọng xuất khẩu sang bên kia biên giới, khiến số lượng xe bị ùn ứ tại các cửa khẩu đã lên gần 800 xe.

Gia tăng tình trạng ùn ứ nông sản

Chiều 17.2.2020, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, vẫn còn tình trạng các xe chở nông sản lên cửa khẩu Lạng Sơn với hy vọng xuất khẩu sang bên kia biên giới, khiến số lượng xe nông sản bị ùn ứ lại các cửa khẩu đang gia tăng.

Việc xuất khẩu diễn ra rất chậm, vì công đoạn kiểm dịch được thực hiện rất khắt khe, thận trọng và chỉ những xe xuất khẩu chính ngạch có hợp đồng mới được thông quan, số lượng chỉ trên đầu ngón tay. Nếu các địa phương không quyết liệt cảnh báo, nông sản được chở lên cửa khẩu quá nhiều nhưng chưa thể xuất khẩu được, phải nằm chờ, có thể khiến nguy cơ nông sản bị thối hỏng phải đổ bỏ, nhất là trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như hiện nay.

Anh Nguyễn Văn Thành - lái xe chở hàng chuyên tuyến Lạng Sơn, cho hay: Thời điểm này, nhiều địa phương như Bắc Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp,  Bình Thuận… đã và đang vào vụ thu hoạch nông sản, đặc biệt là các loại trái cây như thanh long, dưa hấu, ớt…

“Mặc dù công việc xuất khẩu phụ thuộc vào may rủi bởi nhiều cửa khẩu vẫn đóng cửa đến hết tháng 2.2020, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bất chấp rủi ro, cho chở hàng lên với hy vọng có cơ hội thông quan” – anh Nguyễn Văn Thành nói. 

Lý giải nguyên do tại sao các doanh nghiệp tiếp tục cho xe chở hàng lên, ông Phạm Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, bởi các chủ hàng nghe được nguồn tin có thể xuất khẩu được hàng đi, nên cho hàng lên.

“Tại Long An, vì cửa khẩu chưa mở lại nên các doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu chính ngạch qua đường biển, trung bình mỗi ngày xuất khẩu được khoảng 50 tấn thanh long. Tuy nhiên, mấy ngày nay có thông tin nhiều xe hàng thông quan được nên chủ hàng lại cho xe lên. Chúng tôi sẽ thông tin để chủ hàng nắm được tình hình xuất nhập khẩu tại biên giới để điều tiết hợp lý” – ông Phạm Văn Cảnh cho biết.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương liên tục phát đi thông tin về tình trạng thông quan hàng hóa trong 2 ngày qua tại các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, cụ thể:

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), đã xuất 136 xe (nông sản, hoa quả, linh kiện điện tử, khẩu trang, nước rửa tay, găng tay); nhập 62 xe hàng hóa;  

Hiện tại, vẫn tồn 368 xe nông sản, hoa quả (mít, thanh long, ớt, nhãn) xuất khẩu, linh kiện điện tử xuất khẩu do thủ tục thông quan được thực hiện rất khắt khe, mất thời gian bởi  ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do COVID-19 (virus Corona – nCoV).  

Tại cửa khẩu Chi Ma, hiện đang tồn 4 xe hàng chờ xuất khẩu. Tại cửa khẩu ga Đồng Đăng vẫn đang tồn 41 toa hàng nhập khẩu.    

Tại tỉnh Lào Cai, có 245 xe xuất nhập khẩu, trong đó, đã xuất khẩu 155 xe (125 xe trái cây; 30 xe quặng sắt); đã nhập khẩu 90 xe.  Hiện đang còn khoảng 100 xe hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu.  

Tại tỉnh Quảng Ninh, hiện đang tồn chờ xuất khẩu 58.600 tấn tinh bột sắn, 4 container thanh long. Do không xuất khẩu được, khoảng 30 xe sầu riêng đã được đưa vào nội địa Việt Nam tiêu thụ.

Chưa vội đưa đưa nông sản lên cửa khẩu

Hiện nay, Bộ Công Thương đang liên tục khuyến cáo, kêu gọi các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và chắc chắn đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.

Một mặt đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo các chủ hàng không cho xe chở hàng hóa (đặc biệt là nông sản vì dễ thối hỏng) lên cửa khẩu để trông chờ "vận may" nếu chưa ký hợp đồng xuất khẩu chính ngạch và được đối tác phía bạn đồng ý nhận hàng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, trong đó chỉ riêng trong tháng 2.2020 sẽ có 2 đoàn công tác của Bộ sang Duabai và Mỹ để đàm phán xuất nhập khẩu nông sản giữa 2 bên. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn