MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều khu đất công có vị trí đẹp ở TP.HCM đang sử dụng làm bãi giữ xe. Ảnh: Lê Quân.

Vấn đề sử dụng đất công lãng phí, "bán đất để ăn" làm nóng họp báo của Bộ Tài chính

Bích Hà LDO | 17/05/2018 18:24
“Đất công ở TPHCM đang bị sử dụng tràn lan, lãng phí”; “chúng ta bán đất để ăn và đang ăn hết phần của con cháu”, “Luật quản lý sử dụng tài sản công có tính chất hồi tố để xử lý những vấn đề nóng không?”…

Đó là những vấn đề được báo chí đặt ra tại cuộc họp báo chuyên đề về tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định hiện hành, do Bộ Tài chính tổ chức chiều 17.5 tại Hà Nội.

Đất công bị sử dụng lãng phí

Thời gian qua, vấn đề sử dụng đất công một cách lãng phí ở nhiều địa phương trên cả nước đã gây bức xúc trong dư luận. Đơn cử như tại TPHCM, qua nhiều kỳ họp, các đại biểu của TPHCM tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng cơ quan nhà nước sử dụng tràn lan, lãng phí, cho thuê mượn tài sản công. Xảy ra tình trạng đất công làm nhà kho được biến thành quán bia, đất công bị bỏ hoang, tạo nên sự nhếch nhác và lãng phí, trong khi quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình công cộng còn rất thiếu.

Đại diện Bộ Tài chính giải đáp các băn khoăn về vấn đề sử dụng tài sản công.

Về vấn đề này, trong cuộc họp báo chiều 17.5, ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính - thông tin: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi cho các Bộ, cơ quan trung ương để báo cáo tình hình sử dụng đối với nhà khách, văn phòng 2 của bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn TPHCM. Hiện nay, các bộ đang gửi báo cáo về Bộ Tài chính.

Dự kiến trong tháng 5.2018, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng phương án xử lý nhà, đất công của các văn phòng đại diện Bộ, cơ quan Trung ương trên địa bàn TPHCM, để giải quyết các vấn đề nóng về sử dụng đất công tại đây.

Đại diện Báo Pháp luật TPHCM đặt vấn đề: “Luật quản lý sử dụng tài sản công lần này có tính chất hồi tố để giải quyết những vấn đề nóng về sử dụng lãng phí tài sản côn hay không?".

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, nguyên tắc áp dụng pháp luật của chúng ta là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ thời điểm nào thì áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm đó. Tuy nhiên, cũng có quy định về việc xử lý chuyển tiếp một số nội dung có liên quan.

“Chúng ta bán đất để ăn”?

Những ngày qua, trong một cuộc hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế đưa ra phát ngôn "Chúng ta bán đất để ăn và đang ăn hết phần của con cháu", đã nhận được sự quan tâm và cũng gây nhiều tranh cãi.

Trong buổi họp báo, báo chí đã dẫn lại câu nói này và đề nghị Bộ Tài chính công khai về số thu sử dụng đất thời gian qua.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tân Thịnh phản hồi: Nói bán đất là không hẳn đúng. Cơ chế tài chính thu từ đất đai hiện nay có rất nhiều, như từ tiền sử dụng đất, các loại thuế, phí từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

“Hiện nay hai khoản thu lớn nhất là tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Năm 2017, số tiền sử dụng đất thu được là xấp xỉ 127.000 tỉ đồng, còn tiền thuê đất khoảng 27.000 tỉ đồng.

Nhìn vào cơ cấu thu từ đất có điều đáng mừng là xu hướng tiền thuê đất tăng dần qua các năm với tỉ trọng cao, giúp điều chỉnh thị trường liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất", ông Thịnh nói.

Trong cuộc họp báo, hàng loạt vấn đề liên quan đến đất đai khác cũng được báo chí đặt ra, như đất công bị chuyển nhượng không thông qua đấu giá, sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí ngân sách... đại diện Bộ Tài chính cho biết vấn đề này vẫn đang trong quá trình thanh tra, điều tra, khi có kết quả sẽ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn