MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nợ vay của Văn Phú tăng theo cấp số nhân từ năm 2017 đến nay. Ảnh: M.A

Văn Phú Invest: Nợ phải trả gấp đôi vốn chủ sở hữu, vượt 6.800 tỉ

Tùng Thư LDO | 19/11/2020 09:30
Kết thúc quý III/2020, nợ phải trả của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest (HOSE: VPI) lên tới 6.827 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu (2.992 tỉ đồng).

Như Lao Động đã thông tin, mặc dù doanh thu và lợi nhuận của Văn Phú Invest tăng ngoạn mục trong giai đoạn 2015 -2019 nhưng dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp này lại chìm sâu trong trạng thái âm 5 năm liên tiếp.

Dòng tiền kinh doanh âm cũng là lý do chính khiến Văn Phú Invest lệ thuộc vào dòng vốn vay.

Nợ tăng theo cấp số nhân

Báo cáo tài chính của Văn Phú Invest qua các năm cho thấy, có những thời điểm, doanh nghiệp này có 1 đồng thì đi vay 5 đồng như năm 2015, khi ấy vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp xấp xỉ 344 tỉ đồng nhưng nợ phải trả lên đến 1.766 tỉ đồng.

Năm 2016, tỉ lệ đòn bẩy tài chính của Văn Phú Invest tiếp tục tăng, nợ phải trả (2.330 tỉ đồng) gấp 6 lần vốn tự có (363,5 tỉ đồng).

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu thể hiện mức độ phụ thuộc tiền vay của doanh nghiệp.

“Nếu hệ số này lớn hơn 1, có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ, còn ngược lại thì tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu", ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết và nhấn mạnh hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lên tới 5, 6 lần là rất rủi ro.

Năm 2017, Văn Phú Invest chính thức đưa cổ phiếu VPI niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Vốn chủ sở hữu tăng lên 2.036 tỉ đồng. Cùng năm đó, nợ phải trả của Văn Phú Invest là 1.700 tỉ đồng, thấp hơn vốn tự có.

Tuy nhiên, từ đó đến nay (2017-2020), nợ phải trả của Văn Phú Invest đã tăng vọt theo cấp số nhân, từ 1.700 tỉ (2017) lên 4.264 tỉ đồng (2018), 6.281 tỉ đồng (2019) và 6.827 tỉ đồng (9 tháng năm 2020).

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2018-2020 lần lượt là: 1,7 lần (năm 2018), 2,3 lần (năm 2019), 2,28 (cuối tháng 9/2020).

Trong khi đó, hệ số nợ phải trả/tổng tài sản của Văn Phú Invest ở mức 0,45 (2017); 0,63 (2018); 0,7 (2019 và 9 tháng năm 2020). Những con số kể trên lớn gấp nhiều lần so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Theo tính toán của Chứng khoán Rồng Việt, hệ số nợ phải trả/tổng tài sản của Vinhomes chỉ ở mức 0,18; Nam Long là 0,13; Khang Điền 0,09; Đất Xanh 0,29; DIC Corp 0,16. Ngay cả những doanh nghiệp vốn được biết đến là có đòn bẩy tài chính cao như Novaland hay Hà Đô thì nợ phải trả/tổng tài sản vẫn thua xa Văn Phú Invest. Cụ thể, Novaland là 0,39 và Hà Đô là 0,44.

Cũng theo Chứng khoán Rồng Việt, trung bình, hệ số nợ phải trả/tổng tài sản của các doanh nghiệp bất động sản ở mức 0,24.

Những chủ nợ lớn của Văn Phú Invest

Báo cáo tài chính quý III của Văn Phú Invest cho thấy doanh nghiệp đang vay 991 tỉ đồng ngắn hạn và 1.906 tỉ đồng dài hạn từ các ngân hàng.

Văn Phú Invest vay ngắn hạn 574 tỉ đồng tại ngân hàng Indovina – chi nhánh Thiên Long; 397 tỉ đồng tại ngân hàng VPBank; 19 tỉ đồng vay BIDV – chi nhánh Đại La.

Về dài hạn, Văn Phú vay Vietcombank – chi nhánh Thủ Thiêm và ngân hàng Indovina – chi nhánh Thiên Long 831 tỉ đồng; Indovina – chi nhánh Thiên Long 504 tỉ đồng; VPBank 352 tỉ đồng; Vietcombank – chi nhánh Tây Hà Nội 216 tỉ đồng.

Báo cáo tài chính quý III cũng cho thấy áp lực đối với Văn Phú đến từ các khoản vay đến hạn thanh toán gồm: 556 tỉ đồng vay dài hạn tại Vietcombank – chi nhánh Thủ Thiêm; 281 tỉ đồng tại Indovina – chi nhánh Thiên Long ; Indovina – chi nhánh Thiên Long 16 tỉ đồng, VPBank 267 tỉ đồng và trái phiếu phát hành dài hạn đến hạn 309 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn