MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đời sống của nhiều hộ nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên còn khó khăn. Ảnh: T.T

Vào EVFTA, doanh nghiệp thu triệu đô, nông dân thu tiền lẻ phải bán rẫy

THANH TUẤN LDO | 24/12/2021 14:41

Gia Lai -  Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) được ký kết đã giúp nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê mang về lợi nhuận triệu đô. Tuy nhiên, người nông dân trồng cà phê “một nắng hai sương” thì vẫn chịu cảnh mất mùa, lỗ vốn, lỗ công sức…

Vụ mùa năm nay, gia đình anh Lê Văn Quyết (ở thôn 3, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) trồng 2ha cà phê. Cả năm, anh Quyết chăm bẵm vườn cà, bắt hệ thống máy bơm, nước tưới và bón phân cho cây có đủ chất dinh dưỡng.

“Năm 2020, giá phân bón Urê P.M 350.000 đồng/bao, hiện tại giá gần 1 triệu đồng/bao. Ống nhựa tưới nước cà phê từ 70.000 đồng/mét nay tăng giá lên 140.000 đồng/mét. Với chi phí đầu vào tăng cao đột biến như vậy, năm nay, người nông dân đầu tư ít nhất 45-60 triệu đồng/ha. Sau khi trừ các chi phí, vật tư thì khoản lời niên vụ 2020-2021 không đáng bao nhiêu, thậm chí có nhiều hộ nông dân phải chịu lỗ công sức” - anh Quyết cho hay.

Tiền thuê nhân công hái cà phê tăng, một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh T.T

Ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Ia Mơ Nông - cho biết, giá cà phê năm nay đã tăng hơn so với mọi năm, dao động từ 40.000-42.000 đồng/kg cà phê nhân. Giá cà phê tươi thương lái thu mua từ 8.500 đồng - 9.200 đồng/kg.

Mặc dù giá bán ra có tăng nhưng biên độ lợi nhuận của người nông dân trồng cà phê lại không tăng, bởi chi phí đầu tư trên mỗi ha cà phê quá cao. “Một ha cà phê sản lượng trung bình từ 13-15 tấn, nông dân thu về khoảng 120 triệu đồng. Trừ chi phí thì phần lời vào khoảng 20-25 triệu đồng/ha. Mức lợi nhuận này dành cho công sức “dầm mưa dãi nắng” suốt cả năm trời là quá nhỏ bé và không xứng đáng” - ông Thanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang - cho hay, rất vui mừng vì các doanh nghiệp xuất khẩu theo Hiệp định EVFTA thu được lợi nhuận triệu đô qua các thương vụ mua bán. Tuy nhiên, cũng như mọi năm, năm nay nông dân “méo mặt” vì mọi thứ đều tăng giá, từ phân bón, điện nước, nhân công. “Do dịch bệnh nên nhân công hái cà phê thuê cũng “đỏ mắt” đi tìm, tìm được rồi thì giá thuê hái cao (90.000 đồng/tạ). Chưa kể những cơn mưa trái mùa ở Tây Nguyên khiến hoa cà phê nở sớm, làm mất mùa, giảm sản lượng đáng kể” - ông Công chia sẻ.

Vì không thu lời được trên chính mảnh đất của mình, nên có hiện tượng một số hộ nông dân ở Gia Lai đã tìm cách chuyển hướng đầu tư qua “phân lô bán nền” trên đất nông nghiệp. Họ phá bỏ vườn cà phê ở gần các đường bêtông, đường thảm nhựa để xin tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất để bán kiếm lời.  

Tại cuộc họp với các tỉnh Tây Nguyên mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội mới cho nông sản Việt Nam trong đó có sản phẩm cà phê ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, điều quan trọng là người dân và doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ, đi đường dài với nhau, cùng chia sẻ lợi nhuận, lợi ích hài hòa. Khi xóa bỏ được bi kịch của nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ thì công sức làm ra cà phê của người nông dân giảm xuống mà thu về lợi nhuận cao hơn.  

Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, trong năm 2021, hơn một năm Hiệp định EVFTA được ký kết, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 610 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 5,17% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu chủ lực là cà phê, mủ caosu tăng cả về lượng và giá trị dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19. Gia Lai hiện có 3 doanh nghiệp chủ lực tham gia xuất khẩu mặt hàng cà phê gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty TNHH Thương mại và Chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam. Trong đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp hàng năm xuất khẩu từ 50-70 ngàn tấn cà phê các loại, giá trị kim ngạch đạt khoảng 150 triệu USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn