MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động địa phương trong vườn hồ tiêu ở Đăk Đoa. Ảnh T.T

Vào vụ thu hái hồ tiêu, lao động nghèo ở Gia Lai có thêm nguồn thu nhập

THANH TUẤN LDO | 18/03/2022 15:25

Gia Lai – Nhiều lao động nghèo, gặp khó khăn ở tỉnh Gia Lai có thêm nguồn thu nhập trong mùa dịch bệnh nhờ việc thu hái hồ tiêu. Tiền công giúp họ đắp đổi cuộc sống qua ngày.

Gia Lai đang bước vào mùa thu hoạch tiêu niên vụ 2021-2022, khắp các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Mang Yang, Đăk Đoa…các vườn tiêu chín rộ. Tiếng cười nói của các nhân công địa phương râm ran dọc thôn làng.  

Chị Hbel (28 tuổi, trú thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) là một trong số hơn 40.000 lao động trở về từ miền Nam trong đợt bùng phát dịch COVID-19. Nhiều tháng ở quê cùng gia đình, chị thay đổi ý định trở vào miền Nam mưu sinh mà quyết tâm ở lại quê hương lập nghiệp. Đang mùa tiêu, hai vợ chồng chị Hbel đi hái thuê, mỗi ngày kiếm tiền công từ 170.000-180.000 đồng/ngày, có tiền mua sắm sách vở, máy tính cho con đến trường.

Giá tiêu năm nay tăng khá nên chủ vườn cũng như nhân công thu hái phấn khởi. Ảnh T.T

“Giá thuê nhân công hái tiêu năm nay tăng cao hơn so với mọi năm từ 40.000-50.000 đồng/ngày công khiến lao động phấn khởi. Nếu hai vợ chồng siêng năng, thu hái cho các chủ vườn đến hết mùa tiêu cũng kiếm được 25-30 triệu đồng. Dịch bệnh khó khăn, mọi thứ đều tăng giá, có công ăn việc làm để nuôi sống gia đình ai cũng vui mừng”, chị Hbel chia sẻ.

Các nhân công thu hái cà phê thường ở chung làng với nhau, hái hết vườn tiêu này họ lại “quảy gánh” sang vườn tiêu khác ở xã Nam Yang, với diện tích rộng hàng chục ha. Để bớt tốn kém chi phí sinh hoạt, nhà chị Hbel nấu thức ăn, canh chua, nhà anh Ksor Chung, chị Puih Hdoăng nấu cơm. Trưa nắng, cả nhóm quây quần lại với nhau dưới gốc hồ tiêu nghỉ ngơi và ăn trưa.

Sau mùa cà phê, mùa tiêu giúp lao động có thêm việc làm. Ảnh T.T

Chị Puih Hdoăng (35 tuổi, trú xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa) cho biết, trước dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chị và chồng vào Bình Dương làm công nhân may. Dịch bệnh ập đến, nhà máy đóng cửa, công nhân mất việc làm, lo bị dịch bệnh lây lan, cả gia đình có con nhỏ bồng bế về lại quê nhà Nam Yang. Do chứng kiến nhiều tình cảnh bi đát, đau khổ trong mùa dịch khiến chị  Puih Hdoăng có phần ám ảnh, không muốn vào lại nơi đông đúc.

“Lúc gia đình trở về quê có nhiều lo lắng, vì nương rẫy đã bỏ hoang nhiều năm. May mắn, hết mùa cà phê lại đến mùa tiêu, giá cả hồ tiêu năm nay tăng khá nên tiền nhân công cũng tăng. Gia đình có thêm nguồn thu nhập, chút vốn liếng ít ỏi để vượt qua mùa dịch.

Bữa cơm trưa vội vàng của các nhân công bên vườn hồ tiêu. Ảnh T.T

Phong trào trồng hồ tiêu, cà phê hữu cơ đang lên ở địa phương, mình cũng muốn cải tạo lại 3ha rẫy theo mô hình organic như của các chủ vườn khác. Vì hiện tại giá thu mua tiêu đạt chuẩn hữu cơ từ 100.000-110.000 đồng/kg. Trong khi giá tiêu thường vào khoảng 78.500 - 81.000 đ/kg”, chị Puih Hdoăng nói.

Từ năm 2016 giá tiêu bắt đầu đi xuống cho đến năm 2020 thì giá chạm đáy, đỉnh điểm là vào tháng 4.2020 giá tiêu chỉ còn 34.000/kg. Giá tiêu thấp, nhiều nông dân Gia Lai từng vay vốn ngân hàng làm ăn phải bán rẻ đất vườn trả nợ, bỏ nhà cửa vào miền Nam mưu sinh, làm công nhân tại các khu công nghiệp.

Bây giờ, tiêu trong chu kỳ tăng giá trở lại, người nông dân Gia Lai mong muốn khôi phục lại mảnh vườn của gia đình, cải tạo lại nguồn đất đai để trồng hồ tiêu, hy vọng giá loại nông sản từng được mệnh danh là “vàng đen” Tây Nguyên sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho họ.  

Gia Lai là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn ở Tây Nguyên với trên 17.000ha, có thời điểm tăng lên đến 18.000ha. Trong đó, huyện Chư Sê là “thủ phủ” trồng hồ tiêu của tỉnh với tổng diện tích gần 3.000ha, sản lượng trên 11.000 tấn/năm. Từ khoảng tháng 4.2021 đến nay, giá tiêu bắt đầu chu kỳ tăng giá, dự báo tiêu tiếp tục tăng lên 100.000/kg đến cuối năm, giá sẽ tăng theo chu kỳ, dù chịu ảnh hưởng khá lớn của dịch bệnh COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn