MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người trồng hoa tết tốn kém nhiều chi phí khi giá vật tư, giá thể, phân thuốc tăng cao. Ảnh: Nguyên Anh

Vật tư, thuốc, giống tăng gần 20%, người trồng hoa Tết Kiên Giang thấp thỏm

NGUYÊN ANH LDO | 11/01/2024 11:27

Theo nhiều hộ trồng hoa tết ở huyện Châu Thành (Kiên Giang) chia sẻ, giá thể phục vụ trồng hoa như rơm, trấu, mùn dừa... tăng khá cao so với những năm trước, nhưng giá hoa lại bấp bênh chưa thể biết được.

Còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nông dân trồng hoa ở ấp An Khương, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đang tất bật chăm sóc cho vụ hoa nhà mình để bán Tết. Tuy nhiên, theo nhiều người trồng hoa chia sẻ, họ gặp không ít khó khăn ngay từ đầu vụ.

Ông Trần Văn Nam (61 tuổi), người đã trồng hoa hơn 30 năm ở ấp An Khương cho biết: Ngày trước trồng huệ trắng, sau đó trồng thêm các loại vạn thọ, ban mai, hướng dương, cát tường...

“Đầu vụ, tôi xuống giống xong bị chuột ăn hơn 1.000 hạt giống, lỗ hết phần giống. Sau đó lại bị sâu bệnh như bọ trĩ, thối cây, phải mua thêm thuốc để trị, chăm sóc lại. Chưa biết bán lại được bao nhiêu nhưng thấy trước mắt vừa cực mà vừa lỗ tiền thuốc”, ông Nam chia sẻ.

Hội Nông dân xã Minh Hòa đi nắm tình hình các hộ trồng hoa ở ấp An Khương. Ảnh: Nguyên Anh

Ông Nam kể, năm trước, ông trồng hơn 3.000 chậu bán được hết nên thu nhập cũng khá. Năm nay ông vẫn trồng khoảng hơn 3.000 chậu, nhưng đầu vụ bị thiệt hại một số, phải gieo lại.

Theo ông Nam, trước giờ không gặp tình trạng ế hoa, nhưng cái khó chính là nếu bị sâu bệnh gây thiệt hại hoặc lượng hoa ra thị trường quá nhiều khiến giá hoa giảm thì bà con trồng hoa không có lãi, thậm chí có thể lỗ nếu đầu tư nhiều. Chưa kể hoa địa phương còn cạnh tranh với các nơi khác như Đà Lạt, Sa Đéc nên giá thành bị giảm.

“Năm nay thấy đồ đạc gì cũng lên giá nhưng giá hoa thì lại không biết thế nào. Ngay cả giá hoa có tăng thì người trồng cũng không được gì thêm vì chi phí vật tư, phân thuốc đều tăng cao”, ông Nam tâm sự.

Theo nhiều người trồng hoa cho biết, năm nay giá rơm tăng cao khiến họ tốn nhiều chi phí hơn, chưa kể phải tìm mua rơm khá khó khăn.

Ông Trần Ngọc Hải - Giám đốc Hợp tác xã Hoa kiểng An Khương - cho biết, năm trước bán khoảng 45.000 đồng/cặp, nhưng thị trường năm nay hơi khó đoán. Hiện giờ gọi thương lái vẫn chưa thấy trả lời.

“Năm nay tôi trồng 3.500 chậu, chỉ riêng chi phí mua rơm đã hết 10 triệu đồng. Nếu bán ra với giá 40.000 thì chỉ đủ lấy lại vốn hoặc lãi vài ngàn đồng/chậu. Với giá này, nếu đăng ký lô để bán thì lỗ nặng vì tiền thuê lô ở chợ hoa cũng đắt”, ông Hải cho hay.

Ông Hải cho rằng, ngoài việc các mặt hàng phục vụ việc trồng hoa tăng giá cao thì số lượng người trồng mới ra nhiều, mức độ canh tranh cao khiến cho giá thành hoa giảm xuống.

Bà con trồng hoa tết mong chờ những ngày tới giá hoa khởi sắc để bù vào phần chi phí tăng thêm. Ảnh: Nguyên Anh

“Một số thương lái lấy hoa nhiều bán không hết nên năm nay họ e ngại trong việc thu mua. Thương lái giờ gọi không nghe máy luôn, chứ mọi năm giờ này họ đã tự gọi cho mình để hẹn vào xem hoa”, ông Hải lo ngại chia sẻ.

Bà Huỳnh Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hòa - cho biết: Giá hoa các năm cũng bấp bênh. Riêng năm nay, giá các loại vật tư, giá thể, phân thuốc tăng cao càng gây thêm khó khăn cho bà con trồng hoa. Chưa kể giá thuê bãi, thuê lô để bán cũng cao. Tuy nhiên, đây là nghề quen thuộc được bà con làm hàng chục năm nay nên nhiều người vẫn trồng và tăng số lượng.

Theo bà Dung, địa phương, các cấp, các ngành cũng quan tâm đầu tư mở rộng đường, xây cầu để người dân thuận tiện đi lại, giúp xe chở hoa đi dễ dàng hơn. “Giờ nông dân trồng hoa không cần phải chở qua sông, thuê bãi để chờ thương lái vô chở đi như trước mà xe đi thẳng luôn, bà con cũng đỡ được một phần chi phí”, bà Dung thông tin.

Ngoài ra, Hội Nông dân xã cũng mong được đầu tư hỗ trợ thêm cho hợp tác xã cũng như bà con trồng hoa riêng lẻ ở đây về khoa học kỹ thuật, mở rộng trồng nhiều loại hoa hơn để đa dạng cho người mua lựa chọn, tăng giá trị trên thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn