MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh hội thảo thừ nghiệm vay qua app. Ảnh: Huân Cao

Vay tiền qua app: Cần có cơ chế quản lý và giám sát các app cho vay

Huân Cao LDO | 12/09/2020 15:36

Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức Hội thảo về chính sách thử nghiệm trên địa bàn TPHCM. Nhiều đại biểu tham dự cho rằng, cần có một cơ chế, chính sách để quản lý chặt các doanh nghiệp cho vay tiền qua app hiện nay.

Công nghệ có thể triển khai thử nghiệm

GĐ Sở Khoa học Công nghệ TPHCM phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Huân Cao

Sáng 11.9, Sở Khoa học Công nghệ TPHCM tổ chức "Hội thảo Chính sách thử nghiệm (Sandbox) trên địa bàn TPHCM". Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ Ngân hàng Nhà nước, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Đại học Bách khoa TPHCM, đại diện Fintech cùng nhiều chuyên gia.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã nêu lên một thực trạng là có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cho vay qua app theo phương thức cho vay ngang hàng. Đây là một hoạt động cho vay theo phương thức mới, nhưng chưa có hành lang pháp lý về vấn đề này, tuy nhiên luật cũng không cấm hoạt động này.

Theo ông Dũng, đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, Sở sẽ nghiên cứu và tiếp thu để đưa ra tham mưu cho thành phố, nếu liên quan đến những giải pháp công nghệ thì vẫn có thể triển khai thử nghiệm trên địa bàn thành phố.

Đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Huân Cao

Cần có hành lang pháp lý để quản lý

Trình bày tham luận tại Hội thảo với nội dung "Hiệu quả của cơ chế thử nghiệm (sandbox) đối với tiếp cận tài chính của người dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ: kinh nghiệm thế giới", đại biểu đến từ Đại học Bách khoa TPHCM nhận đinh, việc áp dụng công nghệ và dịch vụ cho vay qua app của các công ty tài chính được phổ biến trên nhiều nước.

Điều này, đã giúp cho một bộ phận dân cư và doanh nghiệp nhỏ không đủ điều kiện tiếp cận với khoản vay từ ngân hàng, nhưng cần gấp một khoản tài chính để giải quyết việc cần gấp. Nhiều quốc gia đã quản lý tốt vấn đề này, bởi họ có hệ thống công nghệ phát triển và có hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý phân khúc cho vay tài chính này.

Đại diện Đại học Bách khoa TPHCM trình bày tại Hội thảo. Ảnh: Huân Cao

Tuy nhiên, tại Việt Nam đây là một lĩnh vực mới, chưa có hành lang pháp lý cho lĩnh vực này, dẫn đến nhiều doanh nghiệp hoạt động không tuân theo khuôn pháp lý. Điều này, dẫn đến kẻ hở cho những đơn vị lách luật, biến tướng thành tín dụng đen, cho vay với lãi xuất cao trái phép.

Với tham luận "Tác động của sandbox đến hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) trên địa bàn TPHCM", đại diện P2P cho rằng, có thực trạng nhiều doanh nghiệp cho vay qua app đang hoạt động một cách trái phép. Những đơn vị này, họ không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế cho nhà nước, hoạt động theo kiểu tín dụng đen với mức lãi suất cắt cổ. Chính vì vậy, nhà nước cần có cơ chế, chính sách để xử lý nghiêm những đơn vị hoạt động kiểu phi pháp này.

Đại diện P2P trình bày tại Hội thảo. Ảnh: Huân Cao

Theo đại diện P2P, Fintech (financial technology - công nghệ trong tài chính) là xu thế tất yếu của sự phát triển thị trường tài chính thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Nắm bắt được xu thế phát triển này cùng với sự hội nhập của Việt Nam, nhiều ý tưởng kinh doanh ứng dụng Fintech đã trở nên phổ biến. Các công ty Fintech muốn tham gia thử nghiệm phải có pháp nhân và được kiểm toán báo cáo tài chính, cũng như có báo cáo thuế đầy đủ nhằm chứng minh hoạt động minh bạch cho NHNN.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành thì lĩnh vực cho vay qua app không thuộc sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Bởi chưa có quy định pháp luật nào ban hành về vấn đề này, vì vậy thẩm quyền xem xét là của cơ quan lập pháp. Khi cơ quan lập pháp ban hành những quy định liên quan đến vấn đề này, thì khi đó Ngân hàng Nhà nước mới đề cập đến công tác quản lý được.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước phát biểu ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: Huân Cao

Kết thúc Hội thảo, nhiều chuyên gia và đại biểu cho rằng, cần có cơ chế thử nghiệm cho lĩnh vực mới này hoạt động trong một thời gian. Sau đó, đưa ra tổng kết và báo cáo đến cơ quan chức năng có thầm quyền, trên cơ sở đó sẽ đề ra một cơ chế, chính sách cụ thể để quản lý loại hình cho vay này.

Trước đó, Báo Lao Động đã đăng một loạt bài về Vay tiền qua app. Nội dung báo phản ánh là nhiều doanh nghiệp cho vay qua app đã lừa hàng nghìn người vay với lãi suất cắt cổ. Nhiều nạn nhân phản ánh bị các app khủng bố, đe dọa, áp bức dẫn đến hoảng loạn, thậm chí có nạn nhân tìm đến cái chết để giải thoát. Sau khi báo đăng, lực lượng công an vào cuộc và tiến hành khám xét, kiểm tra nhiều app cho dấu hiệu cho vay nặng lãi.

Nhiều đại biểu cho rằng cần có cơ chế pháp lý để quản lý chặt các đơn vị cho vay qua app. Ảnh: Huân Cao

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn