MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ quý IV/2020, tỉ lệ người lao động có việc làm đã tăng lên. Ảnh: Vũ Long

Về gần Tết Tân Sửu, thu nhập bình quân của người lao động tăng dần

Vũ Long LDO | 06/01/2021 11:58

Tình hình việc làm đã được cải thiện, tỉ lệ người không có việc làm trong quý III/2020 là 2,79% trong đã giảm còn 1,89% trong quý IV/2020. Thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý IV/2020 tăng 212.000 đồng so với quý trước nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm 108.000 đồng.

Tỉ lệ thất nghiệp giảm mạnh dần từ quý IV

Sáng 6.1.2021, tại buổi họp báo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020, Tổng cục Thống kê cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị thâm hụt. Các chỉ tiêu về tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ thiếu việc làm và tỉ lệ lao động có việc làm phi chính thức đều tăng cao trái ngược hẳn với xu thế giảm trong các năm gần đây.

Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ và sự đồng lòng gắng sức của nhân dân, tình hình lao động việc làm trong những tháng cuối năm 2020 đã được cải thiện đáng kể. So với các quý đầu năm 2020, tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi đã giảm mạnh, từ 3,08% trong quý II xuống còn 2,79% trong quý III và đạt 1,89% trong quý IV.

Điều này chứng tỏ, mặc dù vẫn chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng thị trường lao động Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, đặc biệt trong những tháng cuối năm khi nhu cầu lao động tăng lên phục vụ yêu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ dịp lễ, Tết cuối năm.

Tính chung năm 2020, số lao động trong độ tuổi thiếu việc làm là gần 1,2 triệu người, tăng 456,7 nghìn người so với năm 2019. Tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,51%, trong đó khu vực thành thị là 1,68%; khu vực nông thôn là 2,93%.

Tỉ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2020 của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 2,87%; sơ cấp là 2,25%; trung cấp là 1,58%; cao đẳng là 1,52%; từ đại học trở lên là 1,04%.

Thu nhập người lao động bắt đầu tăng dịp cuối năm

Cũng theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý IV năm 2020 đạt 5,7 triệu đồng, tăng 212.000 đồng so với quý trước và giảm 108.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thông thường, nếu không có cú sốc COVID-19, thu nhập của người lao động quý IV tăng khá cao so với các quý khác. Quý IV năm 2019, thu nhập của người lao động là 5,8 triệu đồng, cao hơn quý III năm 2019 hơn 200.000 đồng và cao nhất so với các quý trong năm.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tìm được hướng đi, ổn định việc làm cho người lao động. Ảnh: Vũ long

Tuy nhiên, nếu so sánh với các năm trước, thì năm 2020, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV không những không duy trì được mức tăng trưởng như mọi năm mà còn giảm khá mạnh so với quý I và cùng kỳ năm trước.

Kết quả điều tra lao động việc làm các quý năm 2020 cho thấy dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến người lao động trong việc tham gia thị trường lao động và tạo thu nhập từ việc làm.

Tổng cục Thống kê cho rằng, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là biến thể mới của virút gây mức độ lây lan nhanh chóng như hiện nay, dự báo ảnh hưởng của dịch tới đời sống và sản xuất sẽ rất khó lường trong thời gian tới. Để chủ động ứng phó, thích ứng với diễn biến của tình hình dịch để vừa kiểm soát dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cần thực hiện đồng bộ các chính sách, trong đó cần đặc biệt lưu ý tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; cải cách hành chính phù hợp với trạng thái bình thường mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn