MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giao dịch vàng miếng SJC. Ảnh: Hải Nguyễn

Về kiến nghị xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC: Vì sao NHNN nói “không”?

Văn Nguyễn LDO | 04/12/2020 10:50

Liên quan đến đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục kiên định với những chính sách, kết quả đạt được trong thời gian qua. Vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải hàng hoá bình thường như các loại hàng hoá khác nên cần được quản lý cẩn thận.

Trên cơ sở tổng kết và đánh giá Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được Chính phủ ban hành năm 2012 và những văn bản hướng dẫn có liên quan, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa đưa ra 8 kiến nghị.

Đáng chú ý trong các kiến nghị này, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay mà nên cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng.

Theo VGTA, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải là doanh nghiệp nên việc giao cho cơ quan ngân hàng trung ương sản xuất vàng miếng tại nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng là không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng kiến nghị cho phép thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế. Đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng khi giá vàng quốc tế tăng mạnh trở lại. VGTA cũng đề nghị Thống đốc NHNN xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Tuy nhiên liên quan đến các kiến nghị của VGTA, đặc biệt liên quan đến đề xuất bỏ quy định độc quyền sản xuất vàng miếng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là kiên định với những chính sách, những kết quả đạt được trong thời gian qua và cụ thể chính là Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Cụ thể theo ông Đào Minh Tú, trong 8 năm qua khi Nghị định 24 đi vào đời sống đem lại nhiều lợi ích ở cả trên vi mô và vĩ mô. Tại thị trường trong nước, giá vàng trong những năm qua không còn nhảy múa, không ảnh hưởng đến giá hàng hoá và tỉ giá. Khi giá hàng hoá và tỉ giá không biến động quá mạnh sẽ tạo điều kiện phát triển ổn định cho kinh tế vĩ mô. “Vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải hàng hoá bình thường như các loại hàng hoá khác nên cần được quản lý cẩn thận” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trước đây cũng từng có sàn giao dịch vàng hay Sở Giao dịch vàng được thành lập. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và rủi ro vì vàng được kinh doanh tự do trên sàn, liên quan rất nhiều đến ngoại tệ, vàng hóa trong nền kinh tế do đó Nghị định 24 của Chính phủ được ra đời. “Chúng tôi vẫn ghi nhận và nghiên cứu thấu đáo đề xuất của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam. Nhưng trước hết phải đặt lợi ích vĩ mô, lợi ích chung cho mọi người dân lên đầu, sau đó mới tính đến lợi ích của các doanh nghiệp vàng” - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Tại thị trường trong nước, SJC hiện là thương hiệu vàng miếng duy nhất do Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất và ở thời điểm chiều tối ngày 3.12, giá vàng miếng SJC đang được giao dịch quanh mức giá 54,85 - 55,55 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC tại thị trường trong nước hiện nay thường được điều chỉnh theo các biến động giá trên thị trường thế giới, tuy nhiên giá vàng trong nước vẫn duy trì mức chênh lệch cao hơn đáng kể so với giá vàng thế giới quy đổi. Cụ thể nếu so với giá vàng thế giới quy đổi ở cùng thời điểm chiều ngày 3.12 là 51,45 triệu đồng/lượng (chưa tính các chi phí nhập khẩu và chế tác), giá vàng miếng SJC hiện cao hơn tới trên 4 triệu đồng mỗi lượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn