MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Máy bay tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Hải Nguyễn

Vé máy bay tăng cao: Tác động bởi “sóng ngầm”

Hiếu Anh LDO | 12/04/2024 06:07

máy bay những ngày gần đây không chỉ siêu đắt mà còn khan hiếm. Ngoài nguyên nhân như nhu cầu đi máy bay dịp nghỉ lễ của người dân tăng cao, vé máy bay đang phải gánh nhiều loại phí, thì nhiều “sóng ngầm” ập đến khiến cho vé máy bay bị "đẩy đi xa bờ".

Ồ ạt trả máy bay

Thời gian qua, nhiều hãng hàng không phải công bố thông tin trả lại hàng loạt máy bay. Mới đây, Pacific Airlines báo cáo với Cục Hàng không Việt Nam, từ 18.3, hãng này không còn tàu bay khai thác. Lý do hãng này trả máy bay là để tái cơ cấu nợ.

Trước đó, thông tin tới Báo Lao Động, Bamboo Airways cho biết, hãng đã báo cáo với Chính phủ về việc Bamboo Airways và đối tác cho thuê máy bay đã đạt được thỏa thuận chấm dứt sớm hợp đồng thuê 3 chiếc máy bay Embraer E190 sau lịch bay mùa đông kết thúc cuối tháng 3.2024.

Với kết quả này, sau khi đã ngừng khai thác loại máy bay Boeing B787-9 từ tháng 11.2023 và tiếp tục trả sớm các máy bay Embraer E190, từ tháng 4 năm nay, Bamboo Airways chỉ khai thác dòng máy bay thân hẹp Airbus A320/321 trên mạng đường bay nội địa và quốc tế khu vực.

Trong đợt tái cấu trúc này, hãng ngừng các đường bay khai thác toàn bộ hoặc một phần bằng loại máy bay Embraer E190, bao gồm từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Đảo, Huế và từ Hà Nội đi Đồng Hới.

Giữa lúc các hãng hàng không liên tục phải trả máy bay, 4 chiếc Airbus 321 của một hãng hàng không khác của Việt Nam lại nằm “đắp chiếu” tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Theo nguồn tin của Lao Động, 4 tàu bay A321 sản xuất theo đặt hàng riêng được khai thác bởi một hãng hàng không trong nước. Tuy nhiên, 4 tàu bay này đang vướng phải lùm xùm tranh chấpchấp với một quỹ tài chính quốc tế. Do đó, 4 chiếc máy bay phải "nằm im" chờ phán quyết của tòa án ở Anh.

Nhiều hãng hàng không đối diện tình trạng thiếu hụt máy bay. Ảnh: PV

Vì đâu thiếu hụt máy bay?

Lý giải nguyên nhân thiếu hụt máy bay, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam liên tục ghi nhận tình trạng thiếu hụt máy bay của các hãng hàng không.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các hãng hàng không thua lỗ nặng, phải đàm phán, tái cơ cấu nợ. Các chủ nợ quyết định rút tàu ra và cho thuê giá cao. Với cách làm này, hiện tại, Pacific Airlines không còn tàu bay, trong khi Bamboo Airway cũng chỉ còn 5 chiếc.

Việc thiếu hụt máy bay còn do lỗi sản xuất động cơ. Nhà sản xuất phía Mỹ đã ra lệnh triệu hồi tàu bay Airbus A321 Neo. Việt Nam có 42 tàu bay của hai hãng hàng không Vietjet, Vietnam Airlines trong diện triệu hồi.

Tính đến nay, có 22 tàu của các hãng đã tháo động cơ và kiểm tra sửa chữa. Trong năm nay, 42 tàu bay của hai hãng sẽ phải dừng toàn bộ. Theo kế hoạch nhà sản xuất, động cơ tháo đi, bảo dưỡng, thay thế trung bình mất 18 tháng sau khi tháo khỏi máy bay.

“Thời gian bảo dưỡng có thể kéo dài hết năm 2026, thậm chí sang đến năm 2027" - ông Thắng thông tin.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng thiếu hụt máy bay là do nhiều tàu bay phải bảo dưỡng định kỳ sau dịp cao điểm Tết 2024.

Ông Đinh Việt Thắng cho biết thêm, theo tính toán, cao điểm hè năm nay, tải cung ứng cần khoảng 24-26 triệu ghế. Với cách vận hành thông thường, số tàu bay còn thiếu để phục vụ đợt cao điểm dự kiến thiếu từ 24-26 chiếc.

"Khó nhất là trên thế giới, việc thuê tàu bay hiện vừa khan hiếm, vừa tăng giá. Nếu thời điểm trước Tết, giá thuê tàu bay A321 là 2.300 USD/giờ thì hiện tại, con số này đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ. Các hãng dù tích cực đàm phán cũng rất khó thuê”, ông Thắng nhấn mạnh.

Công nhân bảo dưỡng máy bay. Ảnh: VAECO

Vẫn còn "sóng ngầm"

Không chỉ khan hiếm máy bay, nhiều khó khăn khác cũng là tác nhân khiến cho giá vé máy bay tăng cao.

Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không phân tích, giá nhiên liệu bay, tỷ giá, lãi suất tăng mạnh khiến chi phí của các hãng hàng không tăng cao, đẩy họ vào khó khăn.

Giá nhiên liệu tăng là rào cản hàng đầu với đà phục hồi của doanh nghiệp. Trong cơ cấu chi phí, giá nhiên liệu thường chiếm khoảng 25-28% chi phí khai thác của các hãng hàng không. Tuy nhiên, khi giá nhiên liệu tăng cao đã đẩy chi phí nhiên liệu lên 36-38% tổng chi phí khai thác, thậm chí ở mức cao hơn nhiều trong cơ cấu chi phí của các hãng hàng không hoạt động theo mô hình hàng không chi phí thấp (LCC).

Giá nhiên liệu trung bình năm 2023 so với năm 2015 (thời điểm khung giá vé máy bay hiện tại được áp dụng) đã tăng tới 58,6%, từ mức giá 67,37 USD/thùng trung bình năm 2015 tăng lên mức 106,86 USD/thùng năm 2023.

"Một nguyên nhân sâu xa dẫn đến giá vé máy bay tăng cao là do các hãng vẫn chưa thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ đợt dịch COVID-19. Mặc dù báo cáo kết quả kinh doanh của các hãng đều cho thấy những con số khả quan, tuy nhiên, sức khỏe của các doanh nghiệp hàng không chưa phục hồi như kỳ vọng" - ông Bùi Doãn Nề nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn