MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Về ngôi làng “thoát nghèo” nhờ trồng đào phai bán Tết

MINH HOÀNG LDO | 19/01/2023 15:00

Thanh Hóa - Cách đây nhiều thập kỷ, nghề trồng đào phai bán Tết (ở xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) bắt đầu xuất hiện, ban đầu việc trồng đào còn manh mún và chỉ mang tính “trồng cho vui”. Tuy nhiên, sau khi thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng đào, nhiều hộ dân đã nhân rộng mô hình ra toàn xã, nhờ đó nhiều hộ đã “thoát nghèo”, vươn lên làm giàu.

“Thoát nghèo” nhờ đào phai

Xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa là thủ phủ của đào phai ở xứ Thanh, nghề trồng đào nơi đây được xem là chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong xã. Hàng năm cứ đến Tết Nguyên đán, không khí tại đây lại trở nên náo nhiệt, người buôn bán đào từ khắp mọi nơi đổ về thu mua.

Ông Quách Văn Hùng chăm chút, cắt tỉa cành trong vườn đào của gia đình. Ảnh: Minh Hoàng

Ông Quách Văn Hùng (60 tuổi, ở thôn 5, xã Xuân Du, huyện Như Thanh) cho biết, nghề trồng đào phai ở xã Xuân Du đã có từ xa xưa, ban đầu việc trồng đào chỉ diễn ra quanh vườn nhà hoặc bên những bìa rừng của xã, với số lượng không nhiều. Sau đó, thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc bán đào, người dân trong xã bắt đầu mang đào xuống trồng ở những khu ruộng lúa cằn cỗi, kém hiệu quả.

Đến những năm 90 của thế kỷ trước, phong trào trồng đào ở xã Xuân Du càng ngày càng phát triển mạnh, khi có tới cả trăm hộ dân trồng đào bán. “Lúc đầu gia đình tôi chỉ nghĩ trồng ít gốc đào để Tết đến - Xuân về đào bung nở cho đẹp vườn. Thế nhưng, năm này qua năm khác, thấy nhiều người từ các vùng lân cận tìm về mua đào, gia đình bán và có thêm thu nhập trang trải cho cái Tết. Từ đó, tôi cũng như nhiều hộ dân khác bắt đầu trồng thêm đào bán Tết” - ông Hùng chia sẻ.

Sau nhiều năm trồng đào, làm kinh tế gia đình anh Nguyễn Thăng Bảy (ở thôn 5, xã Xuân Du) đã xây được ngôi nhà mới thay cho ngôi nhà cấp 4 sập xệ. Ảnh: Minh Hoàng. 

Anh Nguyễn Thăng Bảy (ở thôn 5, xã Xuân Du) cho biết, trước đấy xã Xuân Du là xã miền núi của huyện Như Thanh, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo trong xã còn cao. Tuy nhiên, từ khi nghề trồng đào phai tại đây phát triển, đời sống kinh tế được nâng lên, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu. Riêng gia đình anh sau nhiều năm trồng đào, kết hợp với làm kinh tế vườn đồi đã tích cóp và xây được ngôi nhà mới khang trang, thay cho ngôi nhà cấp 4 sập xệ nhiều năm.

Cũng theo nhiều hộ dân ở xã Xuân Du cho biết, việc trồng đào nở rộ nhất vào những năm 2015 - 2020, khi “nhà nhà trồng đào - người người trồng đào”. Đến nay, hầu hết các hộ dân đều trồng đào, với diện tích hàng trăm ha, trải dài từ trên các triền núi cho đến những cánh đồng rộng mênh mông. Nhà ít thì vài sào, nhiều lên đến hàng ha, nguồn thu dao động từ trăm triệu đến cả tỉ đồng mỗi năm.

Làng đào thu trăm tỉ mỗi năm

Do những năm qua, khách hàng có phần ưa chuộng “chơi” đào phai trong dịp Tết cổ truyền, nên cứ vào dịp cận Tết hàng năm, nhiều thương lái, người mua đào lại tấp nập đổ về xã Xuân Du để chọn, đặt cọc tiền mua đào.

Nhờ trồng đào phai bán Tết mà nhiều gia đình ở xã Xuân Du xây nhà khang trang và vươn lên làm giàu. Ảnh: Minh Hoàng.

Theo ông Quách Văn Hùng, ở xã Xuân Du hiện nay, nhà ít thì 1 đến 2 sào (sào Bắc Trung bộ - 500m2), nhà nhiều lên đến hàng ha trồng đào. Tính ra thu nhập, ít cũng ngót trăm triệu đồng, nhà nhiều thu nhập lên đến hơn 1 tỉ đồng/hộ/năm. Trước đây, nhiều hộ ở thuộc diện nghèo và cận nghèo, nhưng từ khi phát triển mô hình trồng đào, các hộ thoát cảnh nghèo, có của ăn của để, thậm chí nhiều gia đình trong xã vươn lên làm giàu, xây nhà cao tầng, tậu xe hơi nhờ bán đào Tết.

Chia sẻ với Lao Động, ông Trương Văn Cảnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết, địa phương thuộc vùng đất đồi núi trung du, thổ nhưỡng phù hợp để cây đào phai sinh trưởng và phát triển. Trước đây, người dân trong xã chỉ trồng tự phát, manh mún nên hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, từ năm 2010, khi huyện Như Thanh có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Xuân Du đã vận động người dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng đào.

Nghề trồng đào phai được xem là nghề chủ lực tại xã Xuân Du, huyện Như Thanh. Ảnh: Minh Hoàng

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc đào cho các hộ dân. Đến nay, toàn xã đã quy hoạch được 8 cánh đồng trồng đào tập trung (ở 8 thôn), với tổng diện tích gần 300 ha. Toàn xã có hơn 1.600 hộ trồng đào (chiêm 95% tổng số hộ trên địa bàn xã).  

“Hiện nay, các thôn trong xã đều được công nhận là làng nghề trồng hoa đào cảnh, cùng với đó, xã Xuân Du cũng được xem là làng nghề trồng đào phai lớn nhất xứ Thanh. Mỗi năm doanh thu mang lại từ việc bán đào Tết ước đạt cả trăm tỉ đồng” - ông Cảnh cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn