MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hộ trồng nhãn ở xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đảm bảo đủ chất lượng xuất khẩu. Ảnh: Khánh Linh

Về nơi xuất khẩu lô nhãn sang Châu Âu đầu tiên ở Hòa Bình

Khánh Linh LDO | 15/08/2022 18:26

Hòa Bình - Vượt qua những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật canh tác để đáp ứng chất lượng sản phẩm, nhãn Sơn Thủy đã xuất khẩu thành công sang thị trường Châu Âu (EU).

Từ những hộ trồng nhỏ lẻ

Ngày 11.8, tại xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Hòa Bình phối hợp với UBND huyện Kim Bôi và Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA tổ chức xuất khẩu lô hàng 1 tấn quả nhãn tươi Sơn Thủy đầu tiên sang thị trường EU. Đây là thành công từ sự nỗ lực bền bỉ của người trồng nhãn và là tín hiệu tốt cho nông sản đất Mường. 

Những ngày giữa tháng 8.2022, có mặt tại vùng trồng nhãn Sơn Thủy, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi, không khí nhộn nhịp khắp làng trên, xóm dưới khi người trồng nhãn đang hối hả thu quả ngọt sau một năm vun trồng vất vả. 

Những chiếc xe máy, xe tải chở đầy nhãn dập dìu ngược xuôi. Năm nay, nhãn được mùa, được giá, nét phấn khởi lộ rõ trên gương mặt những người nông dân.

Những cành nhãn xum xuê, trĩu quả được chăm bón kỹ càng.

Đưa PV đi tham quan hơn 2ha nhãn của gia đình, nâng một chùm nhãn Hương chi mọng nước, ông Bùi Văn Lực - Giám đốc HTX nhãn Sơn Thủy, người đầu tiên mang giống nhãn Hương chi về trồng trên đất Xuân Thủy - cho biết: "Nhãn vừa là thứ cây đặc sản thân thiết gắn bó với người dân Xuân Thủy, cũng là nguồn thu nhập của bà con sau một năm chăm bón". 

Vui niềm vui chung, ông Lực lại nhớ đến quãng thời gian dài đằng đẵng trên con đường miệt mài đi khẳng định thương  hiệu nhãn Sơn Thủy. Nhấp chén nước chè, ông chậm rãi kể: "Gia đình tôi bắt đầu trồng thử giống nhãn Hương Chi từ năm 1998 với diện tích 1,2ha. Ban đầu chỉ nghĩ rằng, nhà mình có sẵn đất, chưa biết trồng gì thì trồng nhãn vậy thôi. Cũng may đất đai và khí hậu ở đây hợp nên cây nhãn phát triển nhanh, cho quả mọng, ngọt". 

Theo ông Lực, điều khó khăn nhất đối với cây nhãn ở Sơn Thủy là thị trường tiêu thụ, khi chưa có thị trường, chưa có thương hiệu, nhãn chín đầy cây không có người đến mua. Ông phải thuê xe tải chở ra chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Hà Nội) để chào hàng.

Người nông dân đang hối hả thu hoạch nhãn.

"Chỉ sau 2 phiên chợ, thương lái Hà Nội thấy nhãn Sơn Thủy ngon không kém nhãn Hưng Yên, thậm chí còn thơm, ngọt, sạch mà giá thành lại thấp hơn nên họ đã theo tôi về tận nhà để lấy hàng. Từ đó, cứ đến mùa nhãn, thương lái từ Thủ đô và các tỉnh lân cận tự đánh xe tải đến lấy, bà con không cần phải lo đầu ra nữa" - ông Lực phấn khởi chia sẻ. 

Hiện gia đình ông trồng 2,5ha nhãn theo quy trình VietGAP, sản lượng năm nay đạt 20 tấn/ha. 

Đến sản phẩm nhãn đầu tiên của Hòa Bình xuất khẩu sang thị trường Châu Âu

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND xã Xuân Thủy cho hay, diện tích nhãn của toàn xã Xuân Thủy đạt gần 200ha, riêng HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy có 34ha.

Từ năm 2019, người trồng nhãn Sơn Thủy đã hoàn thiện một cách nghiêm ngặt những yêu cầu kỹ thuật mà thị trường EU đặt ra với sản phẩm rau quả tươi. Theo kết quả phân tích tại phòng thử nghiệm được chỉ định theo tiêu chuẩn EU, 3 mẫu nhãn Sơn Thủy đều đạt yêu cầu kỹ thuật với 821 chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm của EU.

Những quả nhãn to, tròn, đều đặn, mọng nước vừa được hái xuống.

Gia đình ông Bùi Văn Miển - một trong những hộ dân có sản phẩm nhãn được lựa chọn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu - phấn khởi chia sẻ: "Khi được thông báo nhãn của vườn nhà đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, tôi rất vui và tự hào. Nhiều tuần trước khi thu hoạch, tôi tập trung chăm sóc, bảo vệ từng cây, bảo đảm chất lượng và mẫu mã khi doanh nghiệp đến thu mua”.

Để có những quả nhãn chất lượng, gia đình ông Miển đã dày công chăm sóc theo đúng quy trình VietGAP. Cây được chăm từ sau vụ thu hoạch trước, cắt tỉa gọn gàng, bón phân hữu cơ, phân lân tổng hợp để cây bền khỏe, bảo đảm dinh dưỡng nuôi hoa, nuôi quả. Quá trình chăm sóc đều được ghi chép lại cẩn thận, bảo đảm đúng quy trình, thời gian.

Nhãn được nhặt lá, tỉa cành trước khi đưa đi tiêu thụ.

Được biết vào năm 2016, sản phẩm nhãn Sơn Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ "Nhãn hiệu tập thể". Tiếp đó, hàng loạt các chứng nhận về an toàn thực phẩm, VietGAP và OCOP đã giúp thương hiệu nhãn Sơn Thủy vươn xa hơn đến các thị trường trong nước và quốc tế.

Năm 2019, nhãn Sơn Thủy cũng là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp mã số vùng trồng. Đây được coi như một tờ "giấy thông hành" để sản phẩm này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quốc tế, trong đó, một trong những thị trường khó tính nhất là EU.

Ngành NNPTNT tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu từ nay đến hết vụ nhãn năm 2022 sẽ xuất khẩu 50 tấn nhãn Sơn Thủy sang thị trường EU.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn