MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành khách dùng thẻ xe buýt thông minh để thanh toán tự động trên tuyến xe buýt tại TPHCM. Ảnh: MINH QUÂN

Vé xe buýt điện tử: Thất bại và kém hiệu quả

ĐẶNG TIẾN - LAM DUY LDO | 08/07/2019 10:37

Những bất cập do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân khiến Hà Nội gặp thất bại và không thu được hiệu quả khi thí điểm thanh toán điện tử trên tuyến xe buýt 06 và tuyến xe buýt nhanh BRT. Tại TP Hồ Chí Minh, người dân cũng gặp nhiều khó khăn với việc thanh toán điện tử khi đi xe buýt.

Thất bại và kém hiệu quả

Theo đại diện TCty Vận tải Hà Nội (Transerco), xác định vé xe buýt điện tử ngoài việc tiện lợi và chính xác minh bạch nó còn thể hiện sự văn minh đô thị. Đồng thời, giúp các cơ quan quản lý doanh thu của thu phí chính xác và xác định nhu cầu và quy luật đi lại của người dân để thực hiện điều chỉnh kế hoạch phục vụ hành khách dễ dàng và thuận tiện nhất.

Do đó, từ tháng 10.2014 đơn vị đã phối hợp với Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thí điểm vé tháng điện tử cho xe buýt tuyến 06 (tuyến Giáp Bát - Cầu Giẽ). Nhưng do bất cập là phần lớn người dân có thói quen sử dụng tiền mặt nên đã không thành công như mong đợi. Đến tháng 10.2018, Transerco đã phối hợp cùng Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Thẻ vé MK xây dựng và đưa vào sử dụng thẻ vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT 01 (Kim Mã - Yên Nghĩa) và hướng tới sẽ triển khai trên toàn hệ thống vận tải hành khách công cộng của thủ đô.

Theo đó, trên tuyến sẽ được trang bị thiết bị bán vé điện tử, thay thế toàn bộ vé tháng và hành khách sẽ được kiểm soát vé ra vào các nhà chờ bằng chip điện tử. Nếu hành khách chưa có thẻ điện tử hoặc mã code sẽ mua vé và được nhân viên soát cấp cho 1 vé có mã QR code để qua cổng chờ lên xe. Nhưng việc này cũng đang gây nhiều phiền phức cho khách hàng.

Trên địa bàn TPHCM, mô hình thanh toán tự động trên xe buýt qua thẻ điện tử thông minh đang được áp dụng thí điểm trên 141 xe của 9 tuyến buýt có lộ trình đi qua các trường đại học, có số lượt hành khách đi lại thường xuyên cao. Khách đi xe buýt theo đó có thể sử dụng thẻ vật lý (Uni Pass) và mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh để thanh toán không chạm qua thiết bị thanh toán được gắn trên xe buýt. Theo đại diện Cty Cổ phần Zico (đơn vị phối hợp triển khai và cung cấp thẻ thông minh Uni Pass), sau thời gian thí điểm trên 9 tuyến xe buýt đầu tiên, dịch vụ sẽ được đánh giá kết quả, cải thiện chất lượng và sẽ tiến hành triển khai trên toàn mạng lưới xe buýt TPHCM. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có tuyến 86 (Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng - Cầu Long Kiểng) thí điểm thanh toán điện tử.

Hơn nữa, ngay trong giai đoạn đầu thử nghiệm, nhiều đánh giá cho thấy phương thức thanh toán vé xe buýt tự động qua thẻ điện tử đang được TPHCM triển khai gây nhiều khó khăn cho người sử dụng. Ngoài việc nạp tiền vào thẻ hiện chỉ mới kết nối với một ngân hàng duy nhất, thẻ Uni Pass cũng chưa có chức năng rút tiền ra khỏi tài khoản xe buýt trong trường hợp khách hàng không đi xe buýt nữa và muốn rút tiền ra khỏi tài khoản. Chưa kể theo các thông tin chính thức từ Zico, chủ thẻ Uni Pass cũng không thể dùng thẻ thanh toán giúp cho người đi cùng do hệ thống của Uni Pass giới hạn mỗi người chỉ được thanh toán một lần trên một hành trình đi xe buýt.

Việc thí điểm thanh toán điện tử và vé điện tử trên các tuyến xe buýt được đánh giá là kém hiệu quả. Ảnh: P.V

Cần sự ủng hộ của người dân

Đại diện Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, việc triển khai thẻ vé điện tử là xu hướng tất yếu, cả người dân, quản lý nhà nước và doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ việc triển khai dịch vụ này. Vé điện tử sẽ tạo điều kiện cho quản lý nhà nước trong việc xây dựng chính sách giá vé để thu hút khách đi xe buýt, đồng thời mang lại lợi ích cho cả khách hàng. Do đó, cần có sự ủng hộ của người dân để dự án thành công.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần thanh toán Quốc gia (Napas) - nhìn nhận, việc hệ thống ngân hàng đang phải chuyển đổi hệ thống thẻ từ sang thẻ chip sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong giao thông công cộng. Bởi theo quy định hiện nay, tốc độ tiêu chuẩn giao dịch thanh toán trong ngành giao thông công cộng phải đáp ứng yêu cầu dưới 0,3 giây/giao dịch. Do đó với thẻ ngân hàng sử dụng công nghệ chip không tiếp xúc có tốc độ xử lý nhanh, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu áp dụng thanh toán điện tử trên xe buýt.

Ông Minh cũng cho biết Napas đang hợp tác với TCty Vận tải Hà Nội (Transerco) thí điểm việc thanh toán vé xe buýt bằng thẻ ngân hàng sử dụng công nghệ chip trên 2 tuyến xe tại Hà Nội. Dù không tiết lộ chi tiết 2 tuyến xe buýt dự kiến được thí điểm trong thời gian tới, song theo ông Nguyễn Quang Minh: “Ứng dụng thanh toán này sẽ rất tiện ích cho hành khách đi xe buýt, tiết kiệm chi phí in vé xe buýt và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong cuộc sống”.

TPHCM: Hành khách chưa mặn mà với thẻ xe buýt thông minh

Từ tháng 7.2019, TPHCM tiếp tục triển khai giai đoạn 2, mở thêm 7 tuyến xe buýt (mã số 10, 18, 28, 45, 54, 91, 150) sử dụng thẻ xe thông minh với khoảng 139 phương tiện. Trước đó, giai đoạn 1 (từ tháng 3.2019), Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM đã thí điểm thẻ xe buýt thông minh trên 9 tuyến xe buýt (mã số 86, 50, 55, 30, 93, 59, 68, 69) với 141 phương tiện. Có hai hình thức để hành khách đi xe buýt thanh toán gồm thẻ thông minh (Uni Pass) và mã QR trên ứng dụng điện thoại. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng triển khai, lượng khách đăng ký làm thẻ và sử dụng thẻ xe buýt thông minh tại TPHCM chưa nhiều. Lý do là nhiều người không có email, Viber, không biết sử dụng mã QR trên điện thoại thông minh, nên rất khó khăn trong quá trình tạo tài khoản thẻ và sử dụng thẻ này. Một số khác chưa sử dụng thẻ xe buýt thông minh vì đang giai đoạn thí điểm nên sợ xảy ra những trục trặc phiền phức về tiền bạc.

Ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM - thừa nhận, việc thông tin tuyên truyền về loại thẻ mới này chưa đầy đủ, nên vẫn nhiều hành khách chưa biết đến. MINH QUÂN

Theo GT-TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp Trường ĐH GTVT - việc triển khai vé xe buýt điện tử là xu hướng chung của sự phát triển KHCN trong lĩnh vực giao thông vận tải. Nguyên nhân chính vì sao triển khai không hiệu quả do chúng ta mới chỉ thí điểm mà không triển khai đồng bộ, gây khó khăn cho người dân. Cùng đó, thói quen dùng tiền mặt của người dân khiến việc tiếp cận thẻ rất khó khăn. Việc sử dụng vé điện tử sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí về nhân lực và vật lực, nâng cao năng suất và hiệu quả trong công việc. Nhưng muốn thành công phải phát triển đồng bộ cả hệ thống giao thông công cộng và tiếp đó là kết nối với các phương thức giao thông khác như đường sắt trên cao, xe liên tỉnh, buýt liên tuyến. “Muốn làm được việc này phải có lộ trình, quyết tâm và làm đồng loạt các tuyến, cứ thí điểm từng tuyến sẽ không thể thành công” - ông Sùa nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn