MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân quan tâm đến sản phẩm VietGap tại các hội chợ. Ảnh: Thanh Tân

Về ý kiến "90% người Việt ăn gạo bẩn": Thế nào được coi là VietGap?

Vũ Long LDO | 06/09/2020 18:16

Xung quanh ý kiến của một doanh nhân "90% người Việt Nam ăn gạo bẩn" vì tỉ lệ trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGap còn thấp, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Tiêu chuẩn VietGAP là gì?

Theo Bộ NNPTNT, VietGAP là cụm từ viết tắt từ cụm từ tiếng Anh: Vietnamese Good Agricultural Practices; có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí, gồm:

Thứ nhất là tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất. Thứ hai là an toàn thực phẩm, gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch. Thứ ba là môi trường làm việc mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân. Thứ tư là truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, phải đáp ứng những yếu tố chính trong sản xuất nông nghiệp như đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất; giống và gốc ghép; quản lý đất và giá thể; phân bón và chất phụ gia; nước tưới; hóa chất (bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật); thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; quản lý và xử lý chất thải; an toàn lao động; ghi chép, lưu trử hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; kiểm tra nội bộ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn, đáp ứng tiêu chuẩn VietGap của một doanh nghiệp. Ảnh: Anh Bình

Tiêu chuẩn/ quy phạm VietGAP được biên soạn dựa trên quy định của luật pháp Việt Nam (Luật an toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước,...), hướng dẫn của Tổ chức nông lâm thế giới (FAO) và tham khảo quy định tại các tiêu chuẩn AseanGAP, GlobalGAP, EurepGAP, HACCP (chứng chỉ hiệu lực quốc tế).

Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm chúng ta xuất khẩu trên 5 triệu tấn gạo, sang nhiều thị trường, kể cả các thị trường ngặt nghèo về quy định, giám sát về an toàn thực phẩm như Mỹ, EU, cho tới Trung Quốc, Philippines…

Song đến nay, Cục BVTV chưa nhận được bất kỳ thông báo, cảnh báo nào từ các thị trường. Điều đó đủ minh chứng về chất lượng, mức độ đảm bảo các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm của gạo Việt Nam, không chỉ ở thị trường nội địa mà ở nhiều thị trường xuất khẩu quốc tế có uy tín.

(Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn